Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 5: Mạng người trên núi đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Tôi không biết họ đền bao nhiêu, lúc họ bảo đền 100 triệu, lúc bảo đền 200 triệu. Tôi không cần, tôi chỉ cần con tôi thôi' - bà Bùi Thị Nga, mẹ phu đá xấu số Bùi Văn Khôi, nghẹn ngào.

Phu đá đang tìm cách nhồi thuốc nổ vào vách đá cheo leo nguy hiểm ở Hòa Bình - Ảnh: TÂM LÊ
Phu đá đang tìm cách nhồi thuốc nổ vào vách đá cheo leo nguy hiểm ở Hòa Bình - Ảnh: TÂM LÊ
Những vụ mặc cả buốt lòng
Ngày ghé thắp hương cho phu đá Bùi Văn Khôi ở làng Đường, xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), chúng tôi ngậm ngùi nghe nhiều chuyện về "giá tiền và mạng phu" thay đổi đến chóng mặt mà chủ mỏ đá hứa bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Những người trong gia đình Khôi bức xúc nêu ra các con số: "Ban đầu họ bảo "đền mạng" 120 triệu đồng, chúng tôi không đồng ý. Họ tăng lên 150 triệu, cuối cùng chỗ quen biết họ mới đền cho 200 triệu". Người mẹ đơn thân của Khôi lúc đó chỉ biết khóc con, không còn tâm trạng để thỏa thuận bồi thường.
Bên bếp lửa trong căn nhà bằng ván ghép cũ nát ở bản Pù Lồng (xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên), chị Cứ Thị Tùng, vợ phu đá xấu số Hạng A Sở vừa bị tai nạn mất, kể trong nước mắt: "Tôi phải nói sẽ để chồng tôi nằm ở mỏ đá nếu không chịu bồi thường, chủ mỏ mới đền 200 triệu. Chồng tôi còn trẻ khỏe, cả một mạng người!". 
A Sở sinh năm 1992, vừa gặp tai nạn tháng trước ở mỏ đá. Anh mất đột ngột, để lại ngôi nhà rách nát chưa kịp xây, cùng mẹ già đã ngoài 60 tuổi, cô em gái nhỏ mới 15 tuổi và người vợ trẻ cùng hai con thơ dại.
Anh Đinh Công Hải, em trai phu đá xấu số Đinh Công Hưng (thôn Đồng Làu, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn) chỉ cho chúng tôi ngôi nhà lụp xụp giống cái lều giữa vườn chuối. Anh Hải nói, từ khi anh trai mất ngôi nhà luôn khóa cửa, sắp tới anh dự định phá bỏ vì nó đã quá xuống cấp.
Người vợ đã đi lấy chồng khác, đứa con trai lên 7 tuổi khi bố mất đã theo ở với mẹ. Gia đình anh Hải chỉ nhận được bồi thường vỏn vẹn 100 triệu đồng. "Số tiền này chắc chỉ đủ nuôi cháu trong hai năm, còn tiền học hành của cháu không biết chúng tôi có đủ sức lo không" - anh Hải trĩu giọng lo lắng.
Anh Hải kể thêm có trường hợp tai nạn cùng đợt với anh trai mình nhưng thỏa thuận đền bù không thành. Gia đình cứ để quan tài ở mỏ đá tới tận hai ngày, điều mà anh Hải cho là quá "đau tủi, bất công" cho người treo mình trên vách núi, làm nghề cực nhọc, hiểm nguy như phu đá.
Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Bá Nam 2 (xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn) là trường hợp phu đá bị thương hiếm hoi may mắn còn sống mà chúng tôi gặp. (Nói hiếm hoi là bởi đa phần tai nạn đá thường chết hẳn). Khi rơi từ độ cao 30m của núi đá, anh Thắng may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng, gãy xương khớp háng, gãy tay và khâu nhiều mũi khắp người.
Gia đình anh Thắng kể đại diện mỏ đá vào bệnh viện đưa cho gia đình anh 15 triệu đồng để lo viện phí, rồi tắt liên lạc. Gần 6 tháng điều trị ở bệnh viện, chưa tính tiền công người nhà chăm sóc, chi phí điều trị hết hơn 150 triệu đồng. 
Số tiền quá lớn trong khi anh là trụ cột gia đình mà chưa thể đi làm trở lại. Anh Thắng làm đơn gửi khắp nơi cầu cứu. "Tôi gửi đơn nhiều nơi nhưng cả năm trời mà không thấy hồi âm, có nơi hứa giải quyết rồi cuối cùng vẫn im lặng" - anh Thắng buồn kể.
Thực tế, lao động ở các mỏ đá hầu như làm tự do, không có hợp đồng, không bảo hiểm, đến khi xảy ra tai nạn thường thiệt thòi.

Người thân đưa cháu bé về để không phải thấy cảnh chôn bố mình là một phu đá thiệt mạng ở Hòa Bình - Ảnh: TÂM LÊ
Người thân đưa cháu bé về để không phải thấy cảnh chôn bố mình là một phu đá thiệt mạng ở Hòa Bình - Ảnh: TÂM LÊ
Còn lại mẹ già, con thơ
Gia đình phu đá phần lớn nghèo, "nghèo mới đi... đầu tư cái mạng mình cho nghề đá" như câu cửa miệng của người dân ở vùng núi. Một số lao động ở các tỉnh khác tới cũng từ các dân tộc ít người, đều có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Thơ - cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết theo thông tư 04 và nghị định 39/2016/NĐ-CP về trợ cấp bồi thường tai nạn lao động: "Người lao động không chỉ được đền bù mức 30 tháng lương, gia đình phu đá tử nạn còn được trợ cấp nuôi mẹ già, con nhỏ, một chế độ cần có mà gia đình phu đá nên biết".
Theo ông Thơ, quy định này áp dụng cho cả người lao động không có hợp đồng, nếu chứng minh được ngày công và phiếu nhận lương mà công ty đã chi trả. 
Song, hàng chục gia đình có phu đá tử nạn mà chúng tôi gặp đều trả lời không nhận được một chế độ nào ngoài số tiền đền bù "một cục" mà gần đây là khoảng 100-200 triệu đồng. Đa phần phu đá xấu số tuổi đời còn rất trẻ, khoảng từ 25 đến 45 tuổi và có con nhỏ, bố mẹ già.
Tám gia đình phu đá xấu số trong một ngõ ở thôn Nham Kênh (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) đều có mẹ già, con nhỏ, có người vợ nằm liệt một chỗ. Gia đình bà Lực, ông Định năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, sống trong ngôi nhà cũ nát cùng với cô con gái bị bại não đã hơn 40 tuổi. 
Hai người con trai của ông bà bị nạn mất cùng một ngày ở núi đá. Giờ đến tuổi gần đất xa trời, chưa ngày nào ông bà hết lo lắng: "Nếu chúng tôi chết đi, đứa con bệnh tật này không biết dựa vào ai để sống!".
Phu đá xấu số Nhữ Văn Cương cũng để lại bố mẹ già 90 tuổi, người vợ bị chứng động kinh, cứ nghe tiếng nổ mìn phá đá lại hoảng loạn. 
Những gia đình có con nhỏ rơi vào tình cảnh "Đi làm thì không ai trông con, mà ở nhà trông con thì chết đói" - chị Hòa, vợ của phu đá Nguyễn Bá Ninh, trải lòng.
Phu đá Lê Văn Minh, sinh năm 1987, tại thôn Phù Liễn (xã Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội), mất tháng 5-2018 tại mỏ đá. Bố mẹ Minh đã ngoài 70 tuổi, hai con của anh mới được 4 tuổi và 1 tuổi còn phải bế bồng nhưng gia đình cũng chỉ nhận được đền bù một lần rồi thôi. 
Số tiền mà họ có tiêu dùng tằn tiện lắm thì cũng chỉ 1-2 năm là hết, rồi sau đó người già, trẻ thơ này không biết sống dựa vào đâu.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ phu đá Đặng Đình Ních, nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già cũng đã ngoài 70 tuổi, nhưng chị không nhận được mức trợ cấp nào ngoài số tiền ít ỏi mà chủ mỏ đá đền một lần sau khi chồng chị mất là 200 triệu đồng.
Có rất nhiều gia đình phu đá tử nạn, vài năm sau, chúng tôi trở lại thăm, cuộc sống vẫn rất khốn khó. Nhà cửa xập xệ, nợ nần đeo bám, con cái phải bỏ học giữa chừng, bố mẹ già ốm đau, gánh nặng trút lên vai người vợ trẻ...
Mẹ của phu đá xấu số Nguyễn Đình Nhi (thôn Châu Dể, xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn) năm nay đã ngoài 80 tuổi. 
Trong căn nhà trống hoác, cụ bà móm mém than thở với chúng tôi về cái chết của con trai: "Người tóc bạc phải tiễn kẻ đầu xanh". Bây giờ cụ phải phụ thuộc vào một tay con dâu chăm sóc trong tình cảnh vô cùng khó khăn...
Trong thông tư 04/2015 và nghị định 39/2016/NĐ-CP về trợ cấp bồi thường tai nạn lao động có nhiều điểm bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, nhiều người thân phu đá xấu số không hay biết.
Mục 3, điều 3 của thông tư 04 được quy định như sau: Mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động...
Mức lương trung bình của phu đá hiện nay từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, vậy nếu nhân với 30 tháng lương thì thân nhân của phu đá phải nhận được mức bồi thường từ 300 đến 450 triệu, chứ không phải 100 hay 200 triệu như các chủ mỏ đá đang bồi thường hiện nay.
Nhiều người thợ khai thác đá phải bỏ mạng tại mỏ. Làm gì để khắc phục tình trạng nghiêm trọng này?
_______________________________________________
Kỳ cuối: Làm gì để bảo vệ mạng người phu đá?
TÂM LÊ - VŨ TUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.