Nhiều trường hợp "sập bẫy" video call mượn tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hack tài khoản mạng xã hội, giả danh nhắn tin lừa đảo mượn tiền là dù không mới song vẫn nhiều người sập bẫy. Giờ đây, các đối tượng còn nâng cao chiêu trò bằng cách giả cuộc gọi video call để tạo niềm tin, dễ dàng lừa đảo. 

Dễ dàng bị lật tẩy khi đột ngột nhắn tin mượn tiền, các đối tượng lừa đảo sau khi hack được tài khoản facebook của người dùng còn cẩn thận tạo ra các video có chứa hình ảnh, âm thanh của chủ tài khoản. Sau khi nhắn tin mượn tiền, nếu người được mượn gọi lại để kiểm tra, chúng sẽ đưa video tạo sẵn trong vài giây rồi tắt với lý do đường truyền kém, đang đi ngoài đường, đang bận tay… nhằm tạo niềm tin, dễ dàng mượn tiền. 

Chia sẻ với VTV, một nạn nhân kể lại, qua Facebook, chị nhận được tin nhắn hỏi vay 20 triệu đồng từ một người bạn. Do số tiền lớn, chị đã cẩn thận gọi video call để xác minh danh tính người vay. Đầu dây bên kia bắt máy, có hiện hình ảnh chủ tài khoản nhưng chỉ vài giây là cuộc gọi bị gián đoạn. Nghĩ rằng đúng là bạn mình hỏi vay tiền, chị đã không ngần ngại chuyển tiền ngay vào một tài khoản ngân hàng mà người hỏi vay tiền cung cấp.

Sau khi chiếm quyền truy cập tài khoản của anh H, đối tượng nhắn tin cho bạn bè của anh H để nhờ chuyển khoản. Ảnh nguồn Báo Lao Động
Sau khi chiếm quyền truy cập tài khoản của anh H, đối tượng nhắn tin cho bạn bè của anh H để nhờ chuyển khoản. Ảnh nguồn Báo Lao Động

''Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của bạn, tôi cũng đã cẩn thận gọi video call lại để kiểm tra xem có phải bạn mình hay không thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Tôi đã tin tưởng chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của bạn có đăng bị kẻ gian hack Facebook đi hỏi vay tiền một số người. Tôi có gọi điện lại cho bạn để hỏi thì mới biết là mình đã bị lừa'', nạn nhân cho hay.

Cũng theo Kinh Tế Đô Thị, chị T.M. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, chỉ trong vài ngày, một kẻ nào đó đã sử dụng Zalo có ảnh đại diện của chị đi vay mượn rất nhiều bạn bè. Thậm chí có một người bạn của chị đã nhẹ dạ cả tin chuyển khoản với số tiền gần 12 triệu đồng. Kẻ lừa đảo rất tinh vi khi vừa kết bạn với bạn bè chị M. đã gọi điện qua Zalo rồi cúp máy. Sau đó người này nhắn tin cho bạn bè chị M với lý do sóng yếu, mạng kém không gọi được và tiến hành vay tiền.

Thông tin với Báo Lao Động, chị L.H. cho biết mình vừa (35 tuổi, tỉnh Nghệ An) bị một đối tượng chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản Facebook của chồng chị, lừa đảo, chiếm đoạt hơn 15 triệu đồng.

Theo chị H, từ lúc 2 vợ chồng quen biết, cưới nhau đến nay đã được khoảng 10 năm, nhưng chưa bao giờ chồng chị nhắn tin hay gọi điện nhờ vợ chuyển tiền. Trong lúc đang thắc mắc thì chị H nhận được cuộc gọi từ ứng dụng Messenger từ tài khoản của chồng.

Khi cuộc gọi được kết nối, hình ảnh anh H (chồng chị H) xuất hiện trong video khoảng 5-10 giây kèm theo giọng nói đứt quãng. Sau đó cuộc gọi nhanh chóng kết thúc và chị H. nhận được dòng tin nhắn: "Bố nhắn tin cho cũng được. Mẹ ghi nội dung chuyển khoản giúp bố". Do thấy hình ảnh chồng mình xuất hiện trong cuộc gọi video, kèm theo nội dung tin nhắn nên chị H tin tưởng, chuyển hơn 15 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng do tài khoản Facebook của anh H cung cấp. 

Với mánh khóe tương tự, cùng thời điểm, đối tượng này đã dùng tài khoản Facebook của anh H. để nhắn tin cho bạn bè và những người thân nhờ chuyển khoản và hứa sẽ chuyển lại ngay sau đó. Anh H. cho biết, một số bạn bè của anh do chủ quan nên cũng đã chuyển khoản với số tiền từ 2-10 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng xấu cung cấp. Theo anh H, chỉ trong buổi tối, các đối tượng đã chiếm đoạt được khoảng 40 triệu đồng từ người thân, bạn bè của anh.

Trao đổi với VTV, Trung tá Nguyễn Trọng Hà-Đội trưởng Đội 3, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh-cho biết: ''Đây là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, có thể xảy ra với bất cứ ai và tại bất cứ thời điểm nào. Các đối tượng có thể giả cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học học nước ngoài gọi điện về cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay cũng có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản lừa đảo mà chúng đã chuẩn bị sẵn''.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, giả cuộc gọi video call là chiêu trò đã nhiều lần được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục có không ít người sập bẫy. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người dân để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, cơ quan công sở. Đây chính là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.

PHƯƠNG VI (theo Báo Lao Động, VTV, Kinh Tế Đô Thị)

Có thể bạn quan tâm