Nhiều bất cập trong triển khai học bạ số ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc thực hiện học bạ số cấp tiểu học ở TP. Pleiku bước đầu cho thấy kết quả khả quan khi góp phần quản lý học bạ của học sinh một cách khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập cần nhanh chóng có hướng khắc phục.

Chưa có sự thống nhất, đồng bộ

Kết thúc năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế) đã cơ bản hoàn tất 1.121 học bạ số cho học sinh các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc làm này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa tạo thuận lợi trong quản lý.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

2mk-3250.jpg
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện học bạ số. Ảnh: Mai Ka

Theo cô Nguyễn Thị Hương-Giáo viên bộ môn Tin học: Mặc dù đã hoàn tất học bạ số nhưng vẫn gặp nhiều lỗi kỹ thuật khi chuyển dữ liệu lên hệ thống.

Cùng với đó, việc sử dụng học bạ số chưa có tính thống nhất nên học sinh khi chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn, bắt buộc nhà trường phải in học bạ giấy. Một số giáo viên còn hạn chế về kiến thức công nghệ thông tin trong khi dữ liệu cá nhân của học sinh khá nhiều nên quá trình thực hiện còn lúng túng.

Việc triển khai ký số trên học bạ số cũng còn bất cập, gây bất tiện cho giáo viên do quy trình ký số phải qua nhiều bước, chưa tạo thuận lợi cho người dùng.

Đề cập vấn đề này, cô Mai Thị Thu Hiền-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Để thực hiện học bạ số cho học sinh tiểu học theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chúng tôi đã chủ động phối hợp với Viettel Gia Lai trực tiếp tập huấn, hướng dẫn; đồng thời, triển khai đăng ký chữ ký số cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên.

Tuy nhiên, một số thuật ngữ trên học bạ số chưa chuẩn theo ký hiệu quy ước tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4-9-2020 của Bộ GD-ĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học; lỗi phần mềm khi xuất học bạ không có chữ ký số; khó xuất file học bạ đồng loạt… Nhà trường cũng đã có ý kiến đề nghị điều chỉnh cho thống nhất.

Thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tích cực bồi dưỡng kỹ năng sử dụng cho giáo viên, cán bộ quản lý.

Còn thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) thì thông tin: “Khi học sinh chuyển trường vẫn phải in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì chuyển học bạ số. Chưa kể, cuối năm, rất khó để hoàn thiện bảng điểm cho những học sinh thi lại trong những tháng hè, trong khi học bạ số bắt buộc phải hoàn thành vào cuối năm học.

Cán bộ, giáo viên rất ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT và kỳ vọng việc thực hiện học bạ số sớm được cải thiện để triển khai một cách đồng bộ, thống nhất”.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý; có thể theo dõi, kiểm tra học bạ chặt chẽ, đồng bộ và mọi lúc mà không cần trực tiếp đến các trường, kể cả việc điều chỉnh, sửa chữa học bạ. Vì dữ liệu về quá trình học tập của học sinh đã được kế thừa từ phần mềm Quản lý nhà trường nên công tác khởi tạo học bạ số khá thuận lợi; giáo viên không mất nhiều thời gian để nhập liệu thông tin đối với quá trình học tập của học sinh.

Cùng với đó, Viettel Gia Lai cũng tích cực hỗ trợ cung cấp giải pháp học bạ số và chữ ký số cá nhân cho giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường đề xuất Bộ GD-ĐT hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc để tạo điều kiện cho việc triển khai đại trà học bạ số.

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Ngày 1-3-2024, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học nhằm thực hiện thử nghiệm về giải pháp kỹ thuật làm căn cứ để triển khai chính thức cho bậc học phổ thông.

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch về việc thí điểm học bạ số cấp tiểu học nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn tỉnh.

Với thuận lợi về điều kiện kinh tế-xã hội và hạ tầng công nghệ thông tin, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku đã chỉ đạo 32/32 trường có cấp tiểu học trên địa bàn đồng loạt triển khai thí điểm học bạ số đối với khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024.

Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện gồm: máy vi tính kết nối mạng internet; phần mềm SMAS với đầy đủ thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; có chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; có nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.

pleiku-nhieu-bat-cap-trong-trien-khai-hoc-ba-so-6073.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) thực hiện học bạ số cho học sinh. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Sau khi rà soát các điều kiện đảm bảo và sự cần thiết phải triển khai học bạ số, Phòng đã chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục có cấp tiểu học tham gia thực hiện.

Chúng tôi đã nhanh chóng triển khai theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Sở GD-ĐT đến tất cả cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên. Đến nay, hầu hết đã nắm bắt đầy đủ quy trình, kỹ thuật xác lập và phát hành học bạ trên môi trường số. Học bạ số được triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT và nhà cung cấp dịch vụ, phần mềm.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác này còn bộc lộ một số bất cập như: hạ tầng công nghệ thông tin, kinh phí phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế, một số máy vi tính còn lạc hậu, cấu hình thấp; hầu hết cơ sở giáo dục cấp tiểu học chưa được bố trí nhân sự phụ trách công nghệ thông tin, quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu, học bạ số; chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm; việc huy động các nguồn lực để trang bị các thiết bị hiện đại cho tất cả trường học gặp khó khăn.

Cùng với đó, học bạ số mới được Bộ GD-ĐT chỉ đạo thí điểm, do đó các quy định về quản lý và sử dụng học bạ số còn chưa được đồng bộ và hoàn thiện; một số trường hợp học sinh thiếu hồ sơ như học sinh khuyết tật, học sinh thi lại chưa có hướng dẫn để có thể xử lý học bạ số…”-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku nói.

Để khắc phục khó khăn này, Phòng GD-ĐT thành phố xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND thành phố đầu tư trang-thiết bị công nghệ cho các trường học; cải thiện cơ sở hạ tầng mạng, đảm bảo sự ổn định tại các trường học để hỗ trợ tốt hơn cho công tác chuyển đổi số nói chung và việc truy cập và sử dụng học bạ số nói riêng.

Tiếp tục tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên và cán bộ quản lý về kỹ năng sử dụng phần mềm để vận hành hệ thống học bạ số hiệu quả; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục cho các cán bộ, giáo viên.

Kiến nghị, đề xuất với Bộ GD-ĐT hoàn thiện các quy định pháp lý; ban hành quy chế, thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng học bạ số để các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai, thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ; liên thông giữa các trường trong tỉnh và giữa các tỉnh trên toàn quốc.

Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để thực hiện học bạ số cho các trường hợp như: học sinh khuyết tật, học sinh người nước ngoài, học sinh được kiểm tra lại.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.