Nhà vườn Ayun Pa kỳ vọng vụ hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 2 tuần nay, gần chục nhà vườn trồng hoa trên địa bàn thị xã Ayun Pa đã xuống giống để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoa Tết Canh Tý 2020 tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai. Ai cũng kỳ vọng về một vụ hoa được giá để gia đình có một cái Tết đủ đầy.
Hoa truyền thống lên ngôi
Năm nay, dự báo người dân vùng Đông Nam tỉnh sẽ không sắm Tết mạnh tay như trước do các loại nông sản chủ lực như mía, mì xuống giá, mất mùa, đa số nhà vườn trồng hoa đã chủ động chuyển sang trồng các loại hoa truyền thống, giá cả bình dân như cúc vạn thọ, cúc Đà Lạt, đồng tiền, thược dược… thay vì các loại hoa cao cấp như trước đây. 
Vừa kéo ống tưới nước cho vườn hoa phía sau nhà, bà Đinh Thị Ngọc Lan (tổ 8, phường Đoàn Kết) vừa chia sẻ: Gia đình bà có truyền thống trồng hoa từ hơn 10 năm nay. Hơn 1 ha đất vườn và đất ruộng của gia đình quanh năm chuyên trồng các loại hoa để phục vụ người dân trong vùng. “Vụ hoa Tết năm nay gia đình tôi chuyển từ trồng hoa cao cấp sang trồng các loại hoa truyền thống như: cúc, lay ơn, đồng tiền. Tôi đã nhập cây giống từ Đà Lạt về xuống giống được gần 5 sào. Nhờ thời tiết nắng ấm thuận lợi nên các luống hoa cúc Đà Lạt đã vươn cao 30 cm, còn hoa lay ơn cũng vươn mầm chắc khỏe. Hy vọng Tết đến sẽ có được vườn hoa đẹp phục vụ bà con”-bà Lan cho hay.
 Chị Đỗ Lan Phương chăm sóc cho vườn hoa Tết. Ảnh: Đ.P
Chị Đỗ Lan Phương chăm sóc cho vườn hoa Tết. Ảnh: Đ.P
Ở khu vườn bên cạnh, chị Đỗ Lan Phương đang cùng mấy người làm cặm cụi nhổ cỏ, bắt sâu cho vườn hoa Tết. Gia đình chị Phương sống nhờ vào nghề trồng hoa từ 15 năm nay trên diện tích gần 1 ha đất. “Năm ngoái tôi trồng nhiều loại hoa cao cấp như: ly, đồng tiền, cẩm chướng… Nhờ được giá nên 3 sào hoa mang về nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Mùa hoa Tết năm nay, hầu hết nhà vườn đều chuyển hướng sang trồng các loại hoa truyền thống nên tôi cũng xuống giống 3 sào cúc và lay ơn. Đây là những loại hoa dễ trồng, giá cả cũng phải chăng”-chị Phương bày tỏ.
Mong giá cả ổn định
Khu vực “xóm lò gạch” thuộc tổ 8 (phường Đoàn Kết) và tổ 5 (phường Sông Bờ) là vùng chuyên canh trồng hoa của thị xã Ayun Pa. Tại đây có gần chục hộ dân trồng hoa phục vụ Tết, phần lớn cung cấp cho thị trường 4 huyện, thị xã vùng Đông Nam tỉnh. 
Gia đình anh Lê Xuân Hạnh (tổ 5, phường Sông Bờ) đang tích cực chăm sóc 5 sào hoa gồm cúc, vạn thọ, lay ơn. Các luống lay ơn và cúc hiện đã lên xanh, được anh cắm cọc giăng lưới để chống ngã đổ, đồng thời kéo điện chiếu sáng, theo dõi cả ngày lẫn đêm. Theo anh Hạnh, chi phí đầu tư 1 sào hoa cúc khoảng 20 triệu đồng, nhưng 1 sào hoa lay ơn thì lên đến trên 40 triệu đồng. Nếu gặp thời tiết không thuận lợi, hoa có thể nở sớm hoặc muộn dẫn đến rất dễ bị lỗ vốn, do đó anh chọn cách trồng hoa cúc nhiều hơn để vừa nhẹ vốn, vừa dễ bán. “Trồng hoa thì thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều lần, nhưng phải bỏ nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc. Quan trọng nhất vẫn là được giá hơn được mùa”-anh Hạnh chia sẻ.
Dù có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm nhưng nhiều chủ vườn ở thị xã Ayun Pa đều khá lo ngại do hoa nở đúng thời điểm hay không lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hơn nữa, vì chưa được đầu tư nhà lồng, nhà lưới nên diện tích trồng hoa ở khu vực này dễ bị tác động từ thời tiết, sâu bệnh. Có những năm thời tiết quá lạnh, hoa không nở đúng dịp, thế là vốn liếng, công sức cả năm dồn vào hầu như mất trắng. Hoặc khi hoa sắp thu hoạch thì bỗng nhiên xuất hiện bệnh đen cuống, đen nụ, đành phải bỏ cả vạt… Do đó, hiện nay các hộ đều mong muốn có cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về cây hoa cảnh hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh cho hoa.
Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho hay, vùng đất phù sa bãi bồi màu mỡ ven sông Ba thuộc các phường Đoàn Kết, Sông Bờ và một số xã như Ia Sao, Ia Rtô rất thích hợp để trồng các loại hoa và rau màu. Tuy nhiên, nghề trồng hoa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, hiện chỉ tập trung chủ yếu ở vài hộ chuyên canh hoa với tổng diện tích khoảng 3 ha. “Kinh nghiệm của các hộ trồng hoa trên địa bàn cho thấy mỗi sào trồng hoa nếu được giá sẽ cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đây là hướng mở cho nông dân thị xã trong thời gian đến”-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa cho biết thêm.
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.