Theo đơn trình bày của ông Toàn: Năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tỉnh bị thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ năm 2013 đến 2017. Sau đó, cơ quan Thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku đã khởi tố 2 công chức của Chi cục là Phan Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Hoài Thu về tội “Tham ô tài sản” với số tiền 11,4 triệu đồng. Tháng 9-2021, khi TAND TP. Pleiku đưa vụ án ra xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố đề nghị dừng phiên tòa, đổi sang 2 tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Mua bán trái phép hóa đơn” và khởi tố thêm 3 bị can, trong đó có ông Toàn.
Ông Lê Huy Toàn đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì cho rằng mình bị oan và cơ quan tố tụng có những sai phạm. Ảnh: T.D |
Đến ngày 6-3-2023, TAND TP. Pleiku mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Huy Toàn cùng đồng phạm 14 năm tù về 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Mua bán trái phép hóa đơn” với số tiền sai phạm hơn 48 triệu đồng. Cá nhân ông Toàn nhận mức án 6 năm tù về 2 tội danh nói trên.
“Tòa xử chúng tôi 2 tội trên là do 2 sai phạm. Cái thứ nhất là năm 2016, Chi cục được giao triển khai mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Phú với 7 hộ dân tham gia, diện tích 2,3 ha và dự toán kinh phí 25 triệu đồng. Công chức Phan Ngọc Tiến được Chi cục giao nhiệm vụ bàn bạc, thống nhất với người dân về cách thức triển khai. Khi nghe Tiến trao đổi lại là người dân đề nghị cấp hạt giống cà chua thay cho cây giống, tôi đồng ý. Khi cấp hạt giống, Tiến cấp dư so với định mức cho người dân đến 14 triệu đồng. Còn hơn 11,4 triệu đồng, Tiến đem về đưa cho kế toán Chi cục trả tiền tiếp khách còn nợ trước đó. Sai phạm thứ 2 là trong giai đoạn 2015-2017, Chi cục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi được phép thuê máy chiếu với giá 600 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, theo đề xuất của anh em trong Chi cục, tôi ứng tiền của họ để mua 1 máy chiếu trị giá 12,1 triệu đồng rồi trả dần lại cho mọi người thay cho việc thuê máy. Công chức của Chi cục đã thanh toán 13 hóa đơn với số tiền 39 triệu đồng, trả 12,1 triệu đồng tiền mua máy chiếu, mua thêm 1 máy tính bảng trị giá 17 triệu đồng, còn lại là tiếp khách hay thất thoát gì đó. Chúng tôi có sai phạm trong 2 việc này nhưng không đồng tình với Bản án phiên sơ thẩm số 31-2023/HSST ngày 6-3-2023. Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm buộc tội tôi khi các dấu hiệu phạm tội chưa được làm rõ mà chủ yếu là suy luận vô căn cứ như động cơ vụ lợi, lỗi cố ý trực tiếp, làm trái căn cứ… Chưa kể, trong quá trình tố tụng, Viện KSND TP. Pleiku bỏ qua nhiều tài liệu điều tra, giám định bổ sung có lợi cho chúng tôi. Chưa đủ chứng cứ, Viện KSND TP. Pleiku vẫn phê chuẩn quyết định khởi tố tôi của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố”-ông Toàn bức xúc nói.
Ông Toàn trình bày thêm: “Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi gây thiệt hại từ 10 triệu đồng trở lên. Cụ thể, Điều 356 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, trong cấu thành tội này buộc hành vi người phạm tội phải gây thiệt hại từ 10 triệu đồng trở lên. Nhưng tại các kết luận giám định đều không thể hiện rõ chúng tôi gây thiệt hại từ 10 triệu đồng trở lên. Trong 2 kết luận giám định trước đều nói chung chung là “thất thoát”, “thiệt hại”. Còn trong kết luận giám định thứ 3 ngày 26-8-2022 của Công an TP. Pleiku, giám định viên Lê Ngọc Đình khẳng định hành vi quyết toán sai trong việc sử dụng máy chiếu chỉ thất thoát 9,9 triệu đồng. Nếu cơ quan tố tụng cho rằng, thất thoát cũng là thiệt hại thì cũng không cấu thành tội này vì không đủ 10 triệu đồng. Tòa án nhân dân TP. Pleiku và Viện KSND thành phố cho rằng động cơ của chúng tôi là “mong muốn hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “củng cố địa vị, uy tín cá nhân một cách không chính đáng” là gán tội. Làm ở một cơ quan, ai chả phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, mang lại lợi ích nhiều cho Nhân dân. Chúng tôi có tư túi đồng nào đâu. Mọi nhiệm vụ đều được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả trong thực tiễn, người dân được hưởng lợi”.
Đối với tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, ông Toàn khẳng định mình không chỉ đạo và không trực tiếp mua hóa đơn. 13 hóa đơn thanh toán tiền mua máy chiếu là công chức trong cơ quan mang về nộp cho kế toán, có thể họ xin hoặc mua. Tại phiên tòa sơ thẩm, những chủ cơ sở cung cấp hóa đơn cho các công chức của Chi cục cũng thừa nhận họ nhiều lần cho hóa đơn chứ không phải bán.
Liên quan tới vụ việc, P.V Báo Gia Lai đã liên hệ làm việc với lãnh đạo TAND và Viện KSND TP. Pleiku để có thông tin khách quan hai chiều. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 cơ quan này đều đề nghị P.V làm việc với TAND tỉnh bởi hồ sơ vụ án đã được chuyển lên tòa cấp trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Lam-Chánh án TAND tỉnh-cho biết: Tòa án nhân dân tỉnh đã nhận hồ sơ vụ án Lê Huy Toàn và đồng phạm từ TAND TP. Pleiku chuyển lên để mở phiên xét xử phúc thẩm. Ông Toàn cũng gửi đơn kêu oan cho 1 đại biểu Quốc hội. Sau đó, vị đại biểu Quốc hội này đã chuyển đơn cho Chánh án TAND tối cao xem xét. Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi TAND tối cao là sẽ tổ chức phiên tòa phúc thẩm theo luật.