Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hai tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp gia tăng với 169 ca mắc, tăng 100 ca so với 2 tuần trước đó. Thời tiết mưa nắng đan xen như hiện nay tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết.

Gia tăng ca mắc

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.100 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung tại các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku. Dịch bệnh xảy ra tại 139/220 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố.

Huyện Chư Prông là một trong những điểm nóng về SXH hiện nay. Trong 2 tuần qua, toàn huyện ghi nhận 49 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 135 ca. Ông Võ Thành Trọng (thôn Nhơn Hà, xã Ia Tôr) cho hay: “Tôi bị SXH dẫn đến tiểu cầu giảm thấp phải nhập viện điều trị. Trong thôn cũng có nhiều người mắc SXH”.

Ngành Y tế tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong phòng-chống dịch bệnh SXH. Ảnh: N.N

Ngành Y tế tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong phòng-chống dịch bệnh SXH. Ảnh: N.N

Ông Lê Văn Trì-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông-thông tin: Số ca mắc SXH tập trung nhiều nhất tại thị trấn Chư Prông và các xã: Ia Tôr, Ia Phìn, Thăng Hưng, Bàu Cạn, Ia Ga. Việc đi lại của người dân làm cho dịch bệnh phát tán từ vùng có dịch sang vùng không có dịch khiến cho dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Một bộ phận người dân còn chủ quan trong công tác phòng-chống dịch, chưa chú trọng diệt lăng quăng/bọ gậy, thường xuyên tích trữ nước sinh hoạt… “Dự báo tình hình dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp, cao điểm khoảng từ tháng 7 đến tháng 10, vì thời gian này, địa bàn huyện mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển”-ông Trì cho biết.

Huyện Đức Cơ cũng ghi nhận số ca SXH tăng cao trong 2 tuần qua với 40 ca mắc. Ông Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: Từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận gần 200 ca mắc SXH, tập trung tại thị trấn Chư Ty và các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Din.

Theo ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, quá trình theo dõi tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh những năm qua đã ghi nhận lưu hành 3 type vi rút gồm: Dengue I, Dengue II, Dengue IV. Người dân khi mắc type này vẫn có thể mắc thêm các type khác; bệnh có xu hướng mắc lần sau nặng hơn so với lần trước, nguy cơ gia tăng tỷ lệ các ca bệnh nặng và tử vong. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết mưa nắng đan xen và sự gia tăng của dịch bệnh vào mùa mưa theo chu kỳ hàng năm.

Chủ động phòng-chống SXH

Nhằm chủ động phòng-chống SXH, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng-chống dịch bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy... Bên cạnh đó, Sở Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang-thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh SXH; triển khai phân tuyến thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Hai tuần qua, huyện Đức Cơ ghi nhận số ca SXH tăng cao với 40 ca mắc. Ảnh: Như Nguyện

Hai tuần qua, huyện Đức Cơ ghi nhận số ca SXH tăng cao với 40 ca mắc. Ảnh: Như Nguyện

Theo Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: Gia Lai ghi nhận các ca mắc SXH hàng tuần, chỉ số bọ gậy, muỗi cao, nguy cơ dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Dựa trên các kết quả phòng-chống SXH 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh cần đánh giá tình hình và chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch; kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện, khống chế, dập tắt các ổ dịch. Cùng với đó, quan tâm làm tốt công tác thông tin báo cáo; tăng cường tập huấn năng lực chuyên môn cho các trạm y tế, y tế cơ sở; chủ động lấy mẫu xét nghiệm và giám sát hỗ trợ việc này. Ngành Y tế tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân trong phòng-chống dịch bệnh SXH. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát chuyên môn nếu phát hiện sai sót, tồn tại, hạn chế trong phòng-chống dịch thì báo cáo Sở Y tế để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương triển khai phòng-chống SXH tốt hơn.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng đề nghị ngành Y tế địa phương thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị SXH; chuẩn bị đầy đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia, phối hợp trong công tác phòng-chống dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, hóa chất, trang-thiết bị, tập huấn giúp tỉnh triển khai hiệu quả công tác phòng-chống SXH trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.
Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật đã được chứng minh là có tiềm năng dược lý rộng rãi. Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ, như trà, chiết xuất, viên nén..., thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.