Bộ Y tế kiểm tra phòng-chống sốt xuất huyết, tay chân miệng tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngày 6-7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành Y tế Gia Lai về công tác phòng-chống sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với đoàn có ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các phòng chuyên môn Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tính đến ngày 30-6, Gia Lai đã ghi nhận 987 ca mắc SXH, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2022 và không có trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung nhiều nhất tại các huyện Krông Pa 198 ca, Ia Pa 88 ca, Phú Thiện 74 ca, Chư Prông 115 ca, thị xã Ayun Pa 81 ca, TP. Pleiku 125 ca… Dịch bệnh xảy ra tại 382/2.082 thôn, làng, với 134/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.

Qua theo dõi định type trên địa bàn tỉnh Gia Lai, qua các năm đã ghi nhận lưu hành 3 type vi rút Dengue I, Dengue II, Dengue IV. Người dân khi mắc type này vẫn có thể mắc thêm các type khác và bệnh có xu hướng mắc lần sau nặng hơn so với lần trước gia tăng nguy cơ tỷ lệ các ca bệnh nặng và tử vong. Mặc dù năm 2023 không phải năm bùng phát dịch theo chu kỳ của dịch bệnh SXH, nhưng tình hình dịch bệnh từ nay cho đến cuối năm sẽ diễn biến phức tạp do điều kiện thời tiết mưa nắng đan xen và sự gia tăng của dịch bệnh vào mùa mưa theo chu kỳ hằng năm.

Về tình hình dịch bệnh TCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh ghi nhận 37 trường hợp, giảm 120 ca so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 6-2023, số ca TCM tăng đột biến với 25 ca; không có trường hợp tử vong.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng-chống SXH, TCM tại TP. Pleiku, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng-chống SXH, TCM tại TP. Pleiku, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của Đoàn công tác trong triển khai phòng-chống SXH, TCM tại Gia Lai. Tất cả những ý kiến đóng góp trên đều được ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh ghi nhận và sẽ phổ biến, chỉ đạo các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc, ngành Y tế tỉnh đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ, cập nhật, hướng dẫn các tiến bộ chuyên môn, trang thiết bị trong công tác phòng-chống SXH, TCM cho tỉnh Gia Lai trước sự gia tăng của dịch bệnh SXH trong các năm qua. Nâng cấp phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54 để phần mềm hoạt động ổn định hơn, tránh gián đoạn đảm bảo công tác nhập liệu, báo cáo ca bệnh lên hệ thống kịp thời. Thành lập các đoàn công tác hỗ trợ hướng dẫn địa phương triển khai các hoạt động xử lý các ổ dịch phòng-chống SXH, TCM. Tập huấn hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ làm công tác phòng-chống SXH, phòng-chống dịch tuyến tỉnh, tuyến huyện của tỉnh Gia Lai năm 2023.

Kết luận tại buổi làm việc, Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhấn mạnh: Tại Gia Lai, tình hình SXH vẫn ghi nhận các ca mắc hàng tuần, chỉ số bọ gậy, muỗi cao, nguy cơ dịch bệnh cao vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Dựa trên các kết quả trong công tác phòng-chống SXH, TCM 6 tháng đầu năm 2023, Gia Lai cần đánh giá tình hình và chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch; kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện, khống chế, dập tắt các ổ dịch. Tỉnh cần quan tâm việc thông tin báo cáo; tăng cường công tác tập huấn năng lực chuyên môn cho các trạm y tế, y tế cơ sở; quan tâm công tác lấy mẫu xét nghiệm và giám sát hỗ trợ việc này.

Ngành Y tế tỉnh cần phối hợp tăng cường công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp và người dân trong công tác phòng-chống dịch. Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong quá trình kiểm tra, giám sát chuyên môn nếu phát hiện có những sai sót, tồn tại, hạn chế trong phòng-chống dịch cần báo cáo về Sở Y tế để kịp thời tháo gỡ để các đơn vị, địa phương khắc phục, triển khai tốt hơn.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị ngành Y tế địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị SXH, TCM; chuẩn bị đầy đủ thuốc men đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị cho người dân. Sở Y tế tỉnh cần chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia, phối hợp trong công tác phòng-chống dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên ghi nhận các khó khăn của tỉnh và sẽ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, hóa chất, trang thiết bị, tổ chức tập huấn cho tỉnh Gia Lai để triển khai hiệu quả trong công tác phòng-chống SXH, TCM thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

(GLO)- Chiều 8-5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Trung tâm Chống độc của bệnh viện này đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bọ cánh cứng (một số tỉnh phía Bắc gọi là sâu ban miêu).
Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

(GLO)- Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất và trang-thiết bị y tế, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho y-bác sĩ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

(GLO)- Mang thai 27 tuần, chị N.T.D.L (thôn Kê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển dạ và sinh non. Bé gái chỉ nặng 500 gram được chuyển qua Bệnh viện Nhi Gia Lai để chăm sóc đặc biệt. Qua hơn 60 ngày chăm sóc, điều trị, cháu bé bước đầu đã có chuyển biến đáng mừng.