Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023, ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai đề ra chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng 5% so với năm 2022. Nguồn vốn tín dụng sẽ tập trung đầu tư khai thác tiềm năng các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 103.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021. Với quy mô dư nợ hiện hữu, nguồn vốn tín dụng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-đánh giá: “Trong năm 2022, chính sách tín dụng liên hoàn với các chính sách khác đã góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quý II, quý III. Nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách tín dụng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tham gia tổ công tác do Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác đã tiếp nhận thông tin, phản hồi từ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể”.
Vietcombank là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong đi đầu chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua chính sách giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ. Trong các tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Bà Đỗ Thị Việt Hằng-Giám đốc Vietcombank Gia Lai-thông tin: “Theo định hướng chung của hệ thống Vietcombank, Chi nhánh đã thực hiện giảm lãi suất cho hơn 3.300 khách hàng với quy mô tín dụng 5.900 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Chi nhánh. Vietcombank Gia Lai đã được phê duyệt tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm”.
Khách hàng trải nghiệm ứng dụng quét mã QR để thanh toán của Agribank. Ảnh: Sơn Ca
Khách hàng trải nghiệm ứng dụng quét mã QR để thanh toán của Agribank. Ảnh: Sơn Ca
Cùng góp phần vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Agribank đã điều chỉnh giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng. Agribank Gia Lai đã thực hiện giảm lãi suất cho 16.300 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 5.000 tỷ đồng, số tiền lãi giảm là 8,4 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, Chi nhánh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế cho 348 khách hàng với dư nợ cơ cấu 198 tỷ đồng (trong đó, gốc 178 tỷ đồng, lãi 20 tỷ đồng). Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-thông tin: “Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 10.900 tỷ đồng, tăng khoảng 1,5% so với cuối năm 2021; huy động vốn đạt 6.800 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2021. Chi nhánh đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh doanh do trụ sở chính giao, đảm bảo vị trí tốp đầu các ngân hàng giữ thị phần lớn trên địa bàn”.
Về tổng thể, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng trưởng khá, tăng 15% so với cuối năm 2021. Nguồn vốn huy động tại chỗ đã đáp ứng được 53,3% dư nợ cho vay. Mặt khác, các ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,21% so với cuối năm 2021, hiện chỉ chiếm 1,83% tổng dư nợ. Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh-nhận xét: “Trong 9 tháng năm 2022, dư nợ tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động nhưng ngược lại, lượng tiền gửi chảy vào kênh huy động của ngân hàng tăng mạnh, góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Đến tháng 10, 11, sức hấp thu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng mạnh trở lại, vốn tín dụng được đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Thông qua biểu đồ tăng trưởng tín dụng đã phản ánh rõ nét tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau dịch bệnh. Đồng thời, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong 3 quý đầu năm và các chính sách hỗ trợ đã giúp người dân và doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể thấy rõ, nguồn vốn tín dụng đã góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.  
Năm 2023, ngành Ngân hàng tỉnh đặt chỉ tiêu định hướng nguồn vốn huy động tăng 10% so với năm 2022, dư nợ tín dụng tăng 5% so với năm 2022, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã xác định rõ các mục tiêu trọng tâm nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, bền vững; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng hướng đầu tư tín dụng vào các ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh nhà, có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững.  
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.