Người trồng hồ tiêu nợ hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng lúng túng ​

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tính đến tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay trồng tiêu tại Gia Lai là 4.300 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 2.200 tỷ đồng
Hơn 6.500 ha hồ tiêu tại Gia Lai bị chết khiến tổng số nợ quá hạn của nông dân trong tỉnh tại các tổ chức tín dụng đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm tỷ đồng đã chuyển sang nợ xấu. Thực trạng này không chỉ khiến người trồng hồ tiêu khốn khổ mà các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn.
Hiện nay, Gia Lai là tỉnh có tổng dư nợ cho vay sản xuất hồ tiêu lớn nhất tại Tây Nguyên. Tính đến tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay trồng tiêu là 4.300 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 2.200 tỷ đồng. Nhưng chưa đến 2 tháng sau, thống kê tháng 5/2019, nợ quá hạn đã vượt mốc 2.600 tỷ đồng, riêng nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng.
 
Hàng nghìn người dân các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông bán nhà, bỏ rẫy, đi làm ăn xa. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ cho vay tại các ngân hàng.
Để tự cứu mình, 15 tổ chức tín dụng cho vay sản xuất hồ tiêu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tình thế như điều chỉnh lãi suất, cơ cấu lại nợ. Tuy vậy, theo các điều kiện ngặt nghèo của Luật Các tổ chức tín dụng, lượng khách hàng được hưởng lợi chiếm tỷ lệ thấp.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay sản xuất hồ tiêu lớn nhất tại Gia Lai nhận định, trong thời gian tới, nợ xấu sẽ tăng nhanh.
Theo ông Vượng: “Hiện nay, nợ xấu thể hiện trên bảng cân đối kế toán là 4% của 849 tỷ đồng. Nhưng dự kiến đến 31/12/2019, thì nợ xấu xấp xỉ 10%, tức là gần 100 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp thiết thực và cụ thể, dự kiến những năm tiếp theo, sẽ phát sinh khoảng hơn 200 tỷ đồng, tức là 30% tổng dư nợ cho vay hồ tiêu.
Khi xác định được thiệt hại từ cây tiêu thì giá trị tài sản đảm bảo bị suy giảm rất nhiều, bán không ai mua, để chăm sóc thì không được. Chúng tôi đã cơ cấu lại cho các khoản vay trung, dài hạn. Nhưng khoản vay ngắn hạn thực sự khó, nếu cho vay 1 năm được cơ cấu lại thành 2 năm thì cũng không tháo gỡ được, sẽ chuyển thành nợ xấu.”.
 
Hơn 6.500 ha hồ tiêu tại Gia Lai đã bị chết, hơn 11.000 nông dân trồng tiêu gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, hiện nay có hơn 6.500 ha hồ tiêu trên toàn tỉnh đã bị chết. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của nắng hạn trong mùa khô 2016 - 2017 và 4 tháng mưa liên tục năm 2018.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay là các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2018 của Chính phủ. Bởi khoanh nợ sẽ giúp nông dân có đủ thời gian tái thiết sản xuất để tạo ra nguồn lực cứu mình và trả nợ.
Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện căn bản nhất để khoanh nợ là công bố thiên tai, dịch bệnh hồ tiêu xảy ra trên phạm vi rộng thì UBND tỉnh Gia Lai chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ: “Tại Nghị định 116, Chính phủ rất quan tâm, đặt vấn đề rất rõ. Bên cạnh giải pháp giãn nợ, thì chỉ có giải pháp tốt nhất là khoanh nợ: thời gian 2 năm, giữ nguyên nhóm nợ, miễn lãi 2 năm, ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương hỗ trợ tiền lãi. Nhưng muốn được khoanh nợ, thì ít nhất tỉnh phải công bố dịch bệnh, thiên tai hồ tiêu trên diện rộng. Hoặc là đối với trường hợp Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, cần có sự vào cuộc đồng bộ của ngành ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Gia Lai”.
Loay hoay xử lý nợ cũ, hầu hết các tổ chức tín dụng đều dè dặt trong việc cho nông dân vay mới để chuyển đổi cây trồng, tái thiết sản xuất. Tiêu chết, lãi ngân hàng đè nặng trên vai, không có vốn để bắt đầu lại, hàng nghìn người dân địa phương đã bỏ xứ đi nơi khác làm ăn.
Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, nơi có diện tích hồ tiêu chết lớn nhất tại Gia Lai, đã có hơn 3.000 người dân địa phương bỏ nhà, bỏ đất đi làm ăn xa. Tình trạng này đang diễn ra tượng tự tại nhiều huyện khác như Chư Sê, Chư Prông. Hàng nghìn ha đất bazan màu mỡ đang bị bỏ hoang, hoặc đầu tư theo kiểu được chăng hay chớ vì thiếu vốn.
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị UBND tỉnh Gia Lai vào cuộc phối hợp để giải quyết nút thắt tín dụng tại tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, điều này gây lãng phí nguồn lực tại địa phương: “Những giải pháp chúng tôi đã nói hết, mà không làm được việc khoanh nợ thì bảo bà con trở về làm ăn xa vời lắm. Bà con không về thì khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng xa. Như vậy, nguyên một vùng đất bazan sẽ bị hoang hoá trong thời gian dài. Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu lại nếu đủ điều kiện thì công bố thiên tai. Các ngân hàng đã đồng hành với địa phương, địa phương không thể đứng ngoài".
Trong tình cảnh hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu, cũng chính là lời giải chung cho nút thắt tín dụng tại địa phương. Do vậy, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tự cứu mình, cứu khách hàng. Đồng thời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị tỉnh Gia Lai có những hành động cụ thể, phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu.
Ông Đào Minh Tú cho biết: “Câu chuyện của chúng ta là sử dụng tất cả các cơ chế, chính sách hiện nay, tạo điều kiện cho người vay vốn, hỗ trợ bà con nông dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng; tạo sự đồng thuận trong chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ của ngân hàng với bà con. Khoanh nợ thế nào, kéo giãn thời hạn trả nợ, tái cơ cấu nợ thế nào thì cơ chế Ngân hàng nhà nước đã có, nhưng cụ thể thế nào, thống nhất thế nào là phải giải quyết được bài toán. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh cùng ngành ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại, có chỉ đạo truyền thông tới bà con, tránh tâm lý ỉ lại, cùng phối hợp với ngành ngân hàng khắc phục khó khăn”.
Giải quyết nút thắt tín dụng cho vay hồ tiêu tại Gia Lai cũng chính là một phần lời giải cho bài toán kinh tế- xã hội hiện nay tại tỉnh. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức tín dụng và ngành chức năng địa phương.
Nguyên Thảo (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.