Người trồng cà phê giỏi nhất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi không ngần ngại gán cho Cù Quốc Hùng (36 tuổi, thôn 6, xã Gào, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) danh hiệu này bởi trong khi hầu hết người trồng cà phê than lỗ thì vườn cà phê của gia đình anh đạt năng suất tới 40 tấn quả tươi (hơn 9,3 tấn nhân)/ha, lãi trên 200 triệu đồng!
 

Bôn ba tìm giống

Có lẽ phải gọi là “rừng cà phê” mới đúng khi tôi đứng trước cái khoảng xanh chằn chặn cao gấp đôi thân mình. Lớp lớp những quả, cành đan kín. Những cơn gió mùa khô đang thổi rỗng cả vòm trời cũng chỉ lách nổi tới tôi vài tia yếu ớt. Thoáng chốc, cái khái niệm trong tôi về “vườn cà phê” truyền thống đã hoàn toàn đảo lộn.

Trong phòng khách chiếm nguyên tầng 1 của căn biệt thự trị giá gần 8 tỷ đồng, Cù Quốc Hùng kể cho tôi nghe hành trình 25 năm gắn bó với cây cà phê của gia đình anh.

Anh Cù Quốc Hùng bên vườn cà phê đạt năng suất 40 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Ngọc Tấn
Anh Cù Quốc Hùng bên vườn cà phê đạt năng suất 40 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Ngọc Tấn


…Quê gốc ở Bình Định, năm 1984, gia đình anh đi kinh tế mới, đến vùng đất thôn 6 bây giờ. Năm 1995, phong trào trồng cà phê bùng nổ. Thấy hiệu quả của loại cây mới mang lại, anh là một trong những người đi tiên phong. Kỹ thuật chưa biết, giống cóp nhặt mỗi nơi mỗi loại nên dù thâm canh hết mức thì năng suất cũng chỉ đến 25 tấn quả tươi/ha là kịch trần. Được cái cà phê có giá, mỗi tấn quả tươi tương đương 1 cây vàng. Chưa kịp mừng thì bất ngờ bước sang niên vụ 1999, giá lao dốc thảm hại.

Nhận rõ vấn đề là nếu không nâng cao năng suất vườn cây trong điều kiện vật tư, công lao động liên tục tăng giá thì nghề trồng cà phê sẽ không tồn tại, anh Hùng miệt mài đi tìm giống mới. Sau quá trình khảo nghiệm với nhiều loại giống mà năng suất vườn cây vẫn không như ý muốn, anh rút ra kết luận: Nếu ươm giống bằng hạt thì sớm muộn vườn cây cũng sẽ bị thoái hóa. Chỉ có ghép chồi mới giữ được phẩm chất của cây mẹ mà không bị phân ly.

Nhưng vấn đề là lấy chồi giống nào để ghép? Qua tìm hiểu, nghe nói giống Thiện Trường ở Lâm Đồng cho năng suất rất cao, anh quyết định đến tận nơi tìm hiểu. Quả nhiên là chưa giống cà phê nào ở Gia Lai sánh được những phẩm chất của giống cà phê này. Năm 2013, anh Hùng bắt tay ghép cải tạo 1 ha đầu tiên với chi phí hết 70 triệu đồng nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 60%. Rút kinh nghiệm, năm sau anh cho ghép lại.

Hồi hộp dõi từng ngày, dù đã tìm hiểu kỹ, anh Hùng cũng bất ngờ với giống cà phê này: Chỉ năm đầu tiên đã cho 4-5 kg quả/cây và đến năm thứ 3 khi bước vào kinh doanh (sớm hơn cà phê ươm bằng hạt 1 năm) thì sản lượng đã đạt 25-40 kg/cây, thậm chí có cây đạt đến sản lượng nghe khó tin là 70 kg quả tươi! Bên cạnh năng suất vượt trội, giống Thiện Trường còn có những ưu điểm như: kháng tốt bệnh gỉ sắt và nấm hồng. Lượng phân bón cũng tiết giảm được khoảng 30% so với các giống cà phê khác nhưng năng suất vẫn ổn định. Ngoài ra, giống Thiện Trường còn dễ tuốt nên công thu hoạch có thể giảm được 10%.

Không giàu mới lạ!

25 năm gắn bó với cây cà phê, sau bao trăn trở, bao mùa vụ thăng trầm, đến nay, gia đình anh Hùng đã có 60 ha cà phê. Trong số 18 ha của riêng anh thì đạt năng suất 40 tấn quả tươi/ha có 8 ha, 10 ha còn lại đạt 35 tấn/ha trở lên. Theo hạch toán của anh thì với diện tích sản lượng 40 tấn, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng/ha. Với những diện tích sản lượng đạt 35 tấn trở lên, anh lãi bình quân trên 160 triệu đồng.

Đó là chưa tính nguồn thu từ hồ tiêu trồng xen. Nếu lấy lãi cà phê bù vào công chăm sóc, thu hái thì mỗi ha trồng xen hồ tiêu, anh lãi nguyên tiền bán hồ tiêu 500 triệu đồng. Cứ tạm gác qua một bên nguồn lãi trồng xen thì với riêng 18 ha cà phê, niên vụ này, ước tính anh Hùng cũng lãi hơn 3 tỷ đồng. Trồng cà phê như thế mà không giàu thì mới… lạ!

Ngôi nhà của anh Cù Quốc Hùng. Ảnh: Minh Triều
Ngôi nhà của anh Cù Quốc Hùng. Ảnh: Minh Triều

Giống cà phê Thiện Trường do ông Lưu Công Bình (tỉnh Lâm Đồng) lai tạo gần 20 năm nay. Ưu điểm của giống cà phê này là thích nghi với đất bạc màu, nhiều sỏi đá; đất bauxit nghèo dinh dưỡng. Tỷ lệ nhân tươi đạt 3,8-4,3 kg; năng suất giai đoạn đầu tái canh khoảng 8-9 tấn nhân/ha.
 

Thông tin về Hùng “trồng cà phê khủng” dần lan rộng khiến nhiều người tò mò tìm đến. Và bây giờ thì không chỉ vì tò mò, nhiều đoàn là các công ty cà phê nhà nước đến tìm hiểu, học hỏi. Cứ nghĩ rằng Cù Quốc Hùng có bí quyết gì, hóa ra những gì anh làm, ai cũng có thể làm. Mức đầu tư cũng không quá cao như nhiều người vẫn nghĩ: mỗi ha chỉ gồm 21 m3 phân hữu cơ; phân hóa học bón 2 đợt mùa khô, 3 đợt mùa mưa… Tính ra, tổng mức đầu tư cũng chưa quá 100 triệu đồng.

Vấn đề mấu chốt ở đây là giống. Không chỉ cho năng suất cao, giống Thiện Trường còn cho phép bỏ qua một số công đoạn, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành. Nói vậy nhưng cũng giống ấy, điều kiện thổ nhưỡng ấy, mức đầu tư ấy, chưa hẳn ai cũng đã đạt tới năng suất lý tưởng như vườn của anh Hùng. Thì chính trên quê hương của giống Thiện Trường, năng suất đạt cao nhất cũng chỉ đến 9 tấn nhân/ha. Và ngay tại thôn 6 này, tuy cũng có người đạt năng suất ngang mức cao nhất của anh Hùng nhưng chỉ trong diện tích hạn chế.

Canh tác 18 ha mà 8 ha cùng đạt năng suất 40 tấn quả tươi còn lại đều từ 35 tấn trở lên trong bối cảnh chung là mất mùa do hạn hán thì chỉ “độc nhất vô nhị” là Cù Quốc Hùng. Chắc hẳn còn phải có lòng yêu đất, yêu cây hơn người nữa mới làm nên những điều nhiều người khó làm được ấy?  

Tình cờ mà tôi lại gặp Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706 Lê Đình Hoàng khi ông dẫn công nhân đi tham quan vườn cà phê của anh Hùng. Là người đã từng gửi tâm thư lên Thủ tướng Chính phủ, trăn trở về nỗi “công nhân từng giàu lên nhờ cà phê nhưng bây giờ cũng nghèo đi vì cà phê”, tôi thấy gương mặt ông Hoàng lộ vẻ đăm chiêu.

Có lẽ những gì được nghe, được chứng kiến ở đây đã vượt quá sức tưởng tượng của ông. Thì tại công ty ông, vùng đất được coi là thổ nhưỡng thuận lợi mà năng suất cà phê tái canh phổ biến chỉ đạt tới 16 tấn quả tươi/ha; hiếm hoi mới có người đạt tới 20 tấn quả tươi/ha, tức chỉ mới bằng nửa năng suất cao nhất của anh Hùng. 

“Tôi về sẽ áp dụng ghép giống cà phê này ngay trên diện tích cà phê riêng của mình, đồng thời sẽ đề nghị Công ty làm thí điểm 1 ha để từ đó nhân rộng”-ông Hoàng nói vẻ sốt sắng.

NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.