(GLO)- Phải mất nhiều giờ đồng hồ lội rừng, băng đèo vượt suối chúng tôi mới đến được hai nóc nhà của bản người Rục ở bản Óng (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình). Nói là bản nhưng thực chất đây chỉ có 2 nóc nhà của một gia đình cùng huyết thống là vợ chồng ông Cao Pang, vợ chồng anh con trai cùng hai đứa cháu.
Người lớn ở hai gia đình này không có tuổi, đếm đi đếm lại mãi mới biết vợ chồng ông Pang khoảng 60 tuổi, vợ chồng người con khoảng 40 tuổi. Chỉ có 6 con người lập thành một xóm giữa miền hoang vắng này với hai túp lều tranh buộc dúm dó bằng những thân cây, những tàu lá rừng lụp xụp.
Người Rục chỉ biết sống nhờ vào rừng, đổi thay trong cuộc sống của họ là điều không thể trong một sớm một chiều. |
Bây giờ đã quen với sự xuất hiện của người Kinh rồi, nên người Rục không còn hoảng hốt bỏ chạy như những ngày mới được phát hiện nữa. Sự xuất hiện nhiều nhất có lẽ là của các anh Bộ đội Biên phòng ở Minh Hóa, mà cụ thể là Đồn Biên phòng Cà Xèng. Ông Pang nói chuyện bằng thứ tiếng Kinh bập bõm, đôi khi đệm hơn một nửa câu nói là tiếng dân tộc khiến chúng tôi vừa nghe vừa đoán.
“Mình được Nhà nước xây nhà ở bản nhưng khó ở lắm, thỉnh thoảng lại quay về rừng, về hang đá sống và làm rẫy ngay ở đó 3 đến 4 tháng trong năm để kiếm cái ăn thôi!”. Ông Pang vừa giãi bày cái chuyện ông bỏ vào rừng sinh sống. Ông bảo, cả đời quen ở cái nhà lá, giờ ở nhà xây đau tai lắm, cái chân thì không quen đi nền nhà bằng gạch, cái lưng không quen ngủ giường nên đau lưng, thế là lại về rừng làm nhà lá ở thôi.
Tôi nhìn 2 căn nhà lá của xóm, mỗi lều chỉ rộng chừng 3 mét vuông, do mấy cái cây rừng buộc túm vào nhau mà thành. Mỗi chiếc lều cũng có giường, làm bằng cây, gồ ghề, dài chừng 1,2 mét, rộng chừng 1 mét. Không hiểu nằm thế nào, vậy mà nhà anh Cao Thiên, con trai ông Cao Pang, vợ chồng con cái 4 người cũng chỉ có cái giường ấy. Thế là tươm tất lắm rồi! Anh Cao Thiên cười.
Tôi hỏi thế nhà xây sao không về ở, anh Thiên thật thà: “Ở không quen, không ở được. Nhà đó chỉ để về khi nhận gạo, nhận thuốc. Lương thực có gạo Nhà nước cấp, còn rau, còn thịt thì ở quanh nhà đấy!”. Hóa ra cái chuyện gạo thì cha con ông Pang “chịu khó” về bản Óng nhận. Nhận rồi đi dọc đường lấy bớt gạo đổi rượu. Mỗi lần nhận gạo cũng là lúc gia đình ông “sướng” nhất, vì có rượu uống. Đến lúc ăn hết gạo thì có sẵn của rừng đấy.
Lương thực còn có bắp từ vạt rẫy quanh nhà, cả hai gia đình cũng được chừng 300 kg cùng hơn trăm trái bí đỏ. Vậy là đủ cho cả mùa mưa sắp tới. Mùa mưa, rau, đọt mây nhiều... không đói được, còn sau đó đã có... Nhà nước lo. Thịt thì có từ hàng chục cái bẫy quanh rừng, bước chân ra là có thịt. Thịt đủ các loại nhưng nhiều nhất vẫn là thịt chuột, còn thú rừng thì bây giờ hiếm lắm, vài con trăng mới bẫy được.
Để dành ăn dần và đãi khách quý thôi. Hỏi ông Pang sao ông không ở bản cho có bạn có bè, có nhà tử tế, được chăm sóc sức khỏe. Ông uống một ngụm nước chặt từ thân cây chuối rừng rồi trả lời: “Ở rừng thích hơn, tiện hơn, yên tĩnh hơn! Về bản ở vài bữa lại nhớ rừng không chịu được! Cái nhớ ấy khó nói lắm!”.
Đại gia đình ông Cao Pang ở hang đá này, nhưng cách đó nửa ngày đi bộ, em ông Cao Pang là Cao Tửi cũng không khác gì, cũng vẫn điệp khúc nhà lá, rau rừng, thịt quanh nhà quanh năm. Ông Cao Pang dẫn đường cho tôi đi đến bản Mò Ó O của ông Cao Tửi. Cũng vẫn chỉ là những căn lều lợp bằng lá, Cao Tửi đang say cái rượu vừa đổi được từ người dưới xuôi nên nằm lăn lóc trong góc nhà ngủ.
Thấy người lạ, Cao Tửi nhổm lên ngó rồi lại nằm vật xuống. Hỏi bao nhiêu tuổi rồi mà uống rượu nhiều thế. Đếm mãi không nhớ nổi, áng chừng đâu khoảng 40 mùa rẫy. Thế là nhiều rồi đấy. Ngày trước người Rục chỉ chừng 50 mùa rẫy là đã thuộc hàng có thâm niên ở rừng rồi. Cao Tửi thế là còn khỏe mạnh lắm. Nghe ông Cao Pang khoe rằng nhà Cao Tửi là giàu có, tôi nhìn quanh chỉ thấy mấy bao bắp, vài ghè rượu đoác (rượu lấy từ cây đoác), vài chiếc nồi vứt chỏng chơ bên bếp lửa nguội lạnh.
Nồi cơm nấu mấy ngày để trên giàn đã bốc mùi nhưng “vẫn còn ăn được đấy!”, trên liếp nhà có mấy ống lồ ô đựng thịt chuột muối, đặc sản của người Rục, chỉ dành để tiếp khách. Trong nhà, ai thích ăn lúc nào thì ăn, cơm sẵn, rau sẵn, thịt sẵn, chỉ thiếu những thứ mà rừng không có như muối, thuốc, dầu… phải đổi bằng gạo, bằng lúa và từ nhiều thứ khác…
Lạ một điều, tôi đi các nóc nhà của người Rục, thấy ai cũng thích uống rượu; không chỉ đàn ông, mà cả đàn bà và lớp choai choai cũng uống rượu. Chuyện con bò đổi lấy một chai rượu tưởng chỉ trong cổ tích, ấy vậy mà nơi đây chuyện ấy là thường. Câu chuyện cười ra nước mắt ấy có thật trong gia đình Cao Tửi này.
Năm 2001, sau khi Nhà nước thấy cuộc sống cực khổ đã quan tâm đầu tư cho các gia đình ở 3 bản người Rục mấy chục con bò để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng người Rục tự bao đời có biết chuyện chăn nuôi là gì. Sẵn có trong rừng thì bắt về thôi. Giờ tự nhiên có bò, ngày ngày phải chăm nuôi, mệt.
Nhưng không biết làm sao. Có người bán hàng lội rừng mang vào bản cái đài cát-xét chạy pin, hát cái tiếng lạ, cái nhạc lạ hay quá, ai cũng thèm mà không có tiền mua. Hỏi bao nhiêu tiền, anh bán hàng bảo cái đài ấy hơn ba trăm ngàn đồng, đếm mãi trên đầu ngón tay cũng không biết hết được.
Anh bán hàng bảo tính lại thì giá chỉ bằng con bò đang nuôi ngoài con nước kia. Bò thì có mà đang ngại nuôi, thế là gạ đổi cái đài lấy con bò. “Gạ mãi” anh bán hàng mới đồng ý dắt bò đi để đài lại. Cả nhà vui, hàng xóm sang nghe nhờ, thật hãnh diện vì lần đầu tiên có cái máy nói tiếng người hay như thế, lúc hát thì réo rắt, đêm khuya nghe tiếng thì vui như ngày được mùa. Ai cũng mừng vì nhà Cao Tửi từ nay đã được “cải thiện”. Nhưng chỉ chừng được nửa tháng, pin yếu, tiếng hát thành tiếng rên, rồi tắt. Quày quả cầm đài đi mà lại uống rượu say, cả người và đài rơi tòm xuống suối. Rồi đến lúc nghe thợ bảo hết cả đống tiền lại thôi, đành mang cái cục câm ấy về.
Rồi bữa sau, có người vào bán hàng, đang trong lúc đói rượu thế là lại gạ người bán hàng đổi cái đài câm lấy chai rượu. Tính đi tính lại, cả con bò chỉ đổi được chai rượu, thiệt đơn thiệt kép. Đến khi Bộ đội Biên phòng Cà Xèng đến hỏi bò đâu, Cao Tửi chỉ biết gãi đầu: “Đổi lấy đài, rồi đổi rượu uống mất rồi!”. Bộ đội Biên phòng Cà Xèng chỉ biết lắc đầu vì cái sự tính toán rất ư là chân chất đến ngây ngô của Cao Tửi.
Chuyện đổi rượu gần như là thường trực trong suy nghĩ của bà con người Rục chốn núi rừng này. Không chỉ có bắp, thóc, gạo được dùng để đổi rượu, danh mục “quy ra rượu” ở các bản người Rục giờ không còn thiếu thứ gì từ mật ong, sợi mây, đọt mây, bơ ốc suối, mớ rau rừng đến cả thú rừng, chuột rừng bẫy được. Đi làm thuê cũng có thể trả công bằng rượu…
Cuộc sống của 364 khẩu, 97 hộ người Rục nơi này quả thực là một bài toán khó giải. Ngay cả đồng chí Đại úy Võ Đình Thuần-Đồn phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cũng không khỏi băn khoăn: “Cái khó với cộng đồng người Rục hiện nay là thay đổi thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu vào họ cả một quãng thời gian dài.
Chúng tôi ban đầu cũng mong người Rục sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn. Nhưng rồi thời gian đã chứng minh rằng thay đổi nếp sống và phong tục của cả một tộc người không phải là dễ. Bây giờ, bên cạnh việc dạy người dân trồng lúa nước để khỏi phải phụ thuộc vào sự cứu trợ của Nhà nước là ưu tiên hàng đầu. Sau đó sẽ từng bước tác động vào ý thức của người dân để họ không quay về rừng, nâng cao đời sống văn hóa và dân trí, để có thể từng bước hòa nhập vào cuộc sống hiện đại này!”.
Đã hơn 50 năm sau khi rời hang đá, nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Bộ đội Biên phòng, người Rục đã có một bước tiến dài khi tiếp cận với cuộc sống mới, nhưng vẫn còn đó muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể khắc phục được bởi lối sống và phong tục tập quán của cộng đồng. Như cái đêm chúng tôi mắc võng ở cửa hang để ngủ với gia đình ông Cao Pang, hang quá nhỏ để chúng tôi có thể chen vào. Chỉ có muỗi rừng nhiều như bốc được, khi ấy trong hang gia đình Cao Pang đốt đống lửa khá to đuổi muỗi, không có cái màn nào. Nửa đêm tôi tỉnh dậy, thấy đống lửa đã tàn, mọi người đã ngủ yên, chỉ có lũ muỗi là không chịu ngủ...
Gia Ly-Trọng Đạt