(GLO)- Bến đò làng Lợk trên dòng sông Ba, đoạn chảy qua hai làng mang chung một cái tên: làng Lợk (một của xã Nghĩa An, một thuộc xã Đak Hlơ) của huyện Kbang 15 năm nay đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé luôn túc trực để kéo đò đưa khách sang sông.
Ngày còn đi học, tôi đã đôi ba lần đi qua bến đò làng Lợk để ghé chơi nhà nhỏ bạn bên sông nhưng tuyệt chẳng lần nào để ý đến người đưa đò. Nhưng tôi vẫn nhớ đó là một người phụ nữ nhỏ bé, gầy còm và nét mặt hơi đáng sợ vì xương xẩu. Lần nào qua đò, tôi cũng trả tiền thật nhanh, lên và xuống đò thật nhanh, rời bến cũng thật nhanh chỉ với mục đích rút ngắn thời gian và khoảng cách với người đàn bà lái đò hơi đáng sợ đó.
Bà Lâm Thị Thúy Lực miệt mài với công việc. Ảnh: N.G |
Tưởng là mới nhưng hóa ra đã gần 10 năm tôi không bước chân đến bến đò kia vì nhà nhỏ bạn đã chuyển ra thị trấn từ lâu. Kỳ này về nhà, tôi vô tình nghe được những câu chuyện về bến đò làng Lợk vì nỗi hân hoan sắp tới sẽ có một cây cầu đẹp đẽ vắt qua sông ngay bến đò. Trong tôi dấy lên một sự tò mò về người đàn bà đưa đò năm cũ.
Từ thị trấn Kbang, chạy chừng 15 cây số qua xã Đông, xã Nghĩa An rồi rẽ vào làng Lợk, nhắm hướng sông Ba chạy thẳng sẽ tới bến đò làng Lợk. Đứng bên này sông chờ đò, tự nhiên tôi hồi hộp và hơi lo lắng. Liệu có phải là người đưa đò hơi đáng sợ năm nào đó không? Nếu là người mới thì chắc sẽ không có chuyện gì xảy ra với người cũ?... “Xoẹt” tiếng mạn đò va vào bến là nền xi măng cũ kỹ làm tôi hơi giật mình.
Tôi tần ngần mất một lúc vì mải nhìn người đàn bà đưa đò để trả lời cho những câu hỏi của mình. Cho đến khi bà cất giọng Quảng thúc giục bực bội: “Lên đò nhanh đi, khách bên kia còn đang chờ”. Tôi lại thấy vui vì bà chính là người đưa đò năm nào, dù bây giờ bà nhỏ hơn, gầy gò hơn, khuôn mặt cũng sạm đen, xương xẩu hơn nhưng tôi không còn thấy sợ. Cẩn thận cho đò ghé bến, níu sợi dây kéo thật chặt để con đò bớt chòng chành, bà nhắc tôi lên bến từ từ thôi vì trời mới mưa nên trơn lắm với một giọng nghe chừng vẫn còn bực bực.
Bỏ mặc tôi trên bến sông, bà lại tiếp tục với những lượt khách qua sông không có một phút giây ngơi nghỉ dù khách chẳng nhiều nhặn gì. Tôi loay hoay với các mưu kế kéo bà lên bờ để trò chuyện dăm bảy câu nhưng tự thấy rồi sẽ thất bại vì theo quan sát của tôi bà là người tận tụy với nghề, không để khách đợi đò và bà cũng không đợi được nhiều khách mới sang sông.
Lặng lẽ đưa khách qua sông. Ảnh: N.G |
Cứ khách đến bến là bà kéo đò. Đã thế chỉ còn cách làm khách của bà thì sẽ được gần gũi trò chuyện. Bỏ chiếc xe lại trên bến, tôi nhảy lên đò và nhờ bà cho qua bên kia sông. Bà nhìn chiếc xe nhưng không hỏi câu nào liên quan đến nó. Bà kéo đò và tôi là người khách duy nhất sang sông. Ngồi bệt xuống mũi đò, tôi ngó lơ nhìn trời đất. Tôi mừng hết lớn khi từ đằng sau bà cất giọng hỏi nghe chừng đã hết bực và đó cũng là cơ hội để tôi bắt chuyện.
Bà hỏi một câu nghe rất vật chất: “Bộ dư tiền lẻ, đi đò để tiêu cho hết hả”. Tôi quay lại cười và trả lời một câu hơi văn nghệ và chắc chắn bà sẽ nghĩ tôi bị dở hơi: “Con nhớ sông nên muốn đi đò cho gần sông”. Cứ thế, tôi nắm lấy cơ hội được biết nhiều hơn về người đàn bà đưa đò này. Tôi hỏi bà kéo đò được bao nhiêu năm rồi? Vì đâu bà lại kéo đò? Bà tên gì, có bằng tuổi với mẹ tôi không?...
Qua rất nhiều chuyến đò mà đôi khi trên những chuyến đò về bà chỉ có mình tôi là khách tôi đã được nghe nỗi lòng của bà. Bà tên là Lâm Thị Thúy Lực mà khi nói ra bà bảo sao nghe nó là lạ vì đã 15 năm nay bà chỉ nghe được cái tên “Bà Đò”. Quê bà ở xứ Quảng nhưng sinh ra ở Sài Gòn. Sau giải phóng, bà theo mẹ về Quảng rồi lại vào Sài Gòn sinh sống nhưng không hiểu sao bà bỏ tất cả để theo người thương bén duyên với mảnh đất Kbang này. Năm 1984, bà lập gia đình, hai vợ chồng làm nhà ở tít trên núi, khi con cái đến tuổi đi học vợ chồng bà mới chuyển về gần bến sông sinh sống.
Năm 1999, bà và chồng đã cùng làm một chiếc ghe nhỏ để đưa các con đi học cho yên tâm, rồi bà tiện đường chợ búa chứ đi bến người ta, mình trả tiền hẳn hoi mà ưng thì người ta đưa, không ưng thì thôi. Chẳng thiếu những lần các con đi học về phải lội nước ngập tới cổ, nhìn mà xót. Rồi các con kéo bạn về qua đò ngày càng nhiều, các bà đi chợ cũng ghé xin quá giang ngày càng đông. Dần dà họ thấy việc này chiếm quá nhiều thời gian của bà nên bàn nhau trả tiền đi đò. Người ta nói mãi rồi bà cũng đành lấy mỗi lượt 500 đồng, còn học sinh thì miễn phí.
Những chuyến đò ngày càng nặng vì người ta nghe tiếng về người đưa đò tốt bụng. Chỉ sau 3 năm, chiếc ghe nhỏ đã quá tải nên hai ông bà đã bàn bạc đầu tư 32 triệu đồng làm một chiếc ghe lớn, an toàn có áo phao hẳn hoi. Hệ thống dây cáp, dây kéo, bóng điện hai bên bến cũng được ông bà lo chu đáo. Bấy giờ thì bến đò của bà trở thành nút giao thông duy nhất giữa trung tâm huyện và các xã ngoài với hai xã Đak Hlơ, Kông Pla.
Khách đi đò ngày càng đông, không kể giờ giấc khiến cái nghiệp đưa đò vận vào bà lúc nào không hay. Bà ở bến đò nhiều hơn ở nhà. Và suốt 15 năm, đã hàng trăm, hàng ngàn đêm bà không ngủ để thức cùng những chuyến đò khi bà con đau ốm, sinh nở, khi các cán bộ làm nhiệm vụ đặc biệt cần qua sông. Nhờ những chuyến đò khuya của bà mà hàng trăm đứa trẻ Bahnar được cứu sống.
Nghe được đoạn tâm tình này, một người phụ nữ người Bahnar tên Đinh Thị Đênh đang địu đứa con nhỏ chừng 2 tuổi trên đò góp chuyện: “Bà Lực nói đúng đó, đứa con lớn của mình cũng nhờ bà Đò mới sống mà”. Chuyện cách đây đã 5 năm, lúc đó đã quá nửa đêm nhưng vẫn có người gọi đò, là một người phụ nữ khá lớn tuổi từ làng Lợk (xã Nghĩa An) muốn qua làng Lợk của Đak Hlơ để xem đứa cháu gái đang sinh con nhưng đứa bé ra được mỗi cái tay rồi mắc kẹt luôn trong mẹ.
Bà Lực nghe mà giật mình, bà gọi cho trưởng thôn bắt phải mang người mẹ trẻ đó đi cấp cứu gấp. Rồi cũng chính bà gọi cho cán bộ y tế xã để gọi lên bệnh viện huyện xin xe cấp cứu. Đúng 3 giờ sáng, chị Đênh được đưa lên xe cấp cứu đã đậu sẵn ở bến đò. Đến 5 giờ sáng, người nhà về báo Đênh đã sinh con an toàn mà bà muốn rớt nước mắt.
Đã 15 năm, niềm vui nỗi buồn của bà cũng chỉ quanh quẩn ở bến đò này, đoạn sông này và nguồn thu của bà ở bến sông tuy không nhiều nhưng cũng đủ để bà lo mắm muối cho gia đình. Cái tin tháng 7 này sẽ thi công cây cầu bắc qua sông ngay bến đò ai cũng chắc chắn bà sẽ buồn lắm, trong đó có tôi. Khi đang neo đò đợi khách, chỉ tôi và bà trên đò, tôi hỏi: “Sắp có cầu rồi, bà chắc buồn…”.
Chữ buồn của tôi chưa kịp phát ra tròn trịa đã bị bà chặn ngang: “Trời, buồn gì đâu, tui vui lắm chớ, có cầu rồi giao thông mới thuận lợi, bà con làm ăn mới đỡ khổ. Tui cũng được nghỉ ngơi”. Nhưng rồi bà như nhớ tới những kỷ niệm đã gắn bó với con đò, nói thêm: “Ờ mà cũng buồn vì nhớ nghề, nhớ những người bạn đò đủ lứa tuổi, nhớ những câu chuyện râm ran cả bến. Nhưng thôi, niềm vui có cầu sẽ khỏa lấp được hết”. Điều mà bà mãn nguyện nhất là trong suốt thời gian đưa đò đã không để một sơ sẩy nào xảy ra.
Bây giờ, thực sự đã đến lúc bà phải được nghỉ ngơi để có những bữa ăn, những giấc ngủ trọn vẹn bên chồng con vì trông bà đã quá già so với cái tuổi 48. Đôi tay kéo đò của bà đã không còn chỗ cho những vết sần chồng chất lên nhau. Tôi biết bà sẽ buồn, sẽ nhớ những chuyến đò vì với bà công việc này không hề nhàm chán như người ta vẫn nghĩ. Dù rằng nó lặp đi lặp lại nhưng luôn có cái mới, cái đổi thay trên từng chuyến đò như nhà ai có cái xe máy mới, đứa học trò nào mới được bố mẹ mua cho cái xe đạp… hay sự đổi thay trên từng nét mặt mà chỉ bà mới nhận thấy.
Mặt trời đã xuống núi từ lâu, trên dòng sông, những cơn gió ngược dòng đã man mác thổi. Tôi đã lên bờ để trở về nhưng muốn nán lại nhìn bà qua bên kia sông và cầu cho những cơn gió ngược dòng thôi đừng thổi, để tay kéo đò của bà bớt chút nặng nề và bóng dáng nhỏ bé của bà bớt chút liêu xiêu!
Nguyễn Giang