Người dân không chủ quan trước nguy cơ cúm gia cầm có thể vào Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ Y tế nhấn mạnh trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn...
(Nguồn: TTXVN)

(Nguồn: TTXVN)

Đánh giá nguy cơ cúm A (H5N1) có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Bộ Y tế nhấn mạnh trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Trước thông tin Campuchia đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có một trường hợp đã tử vong, nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh có đường biên giới với quốc gia đang có dịch đã tăng cường công tác phòng, chống cúm A (H5N1); theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh viêm phổi nặng do virus, nhất là tại các cửa khẩu khu vực biên giới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tăng cường khám xét người đến từ nước ngoài, bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải trong phạm vi; nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ thăm khám, điều tra dịch tễ, chẩn đoán.

Sở Y tế phối hợp Chi cục thú y để kiểm soát tình trạng nhập khẩu gia cầm vào Việt Nam. Ở cửa khẩu nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có các triệu chứng nghi ngờ. Theo Sở Y tế, hiện dịch cúm A (H5N1) chưa xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại An Giang, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác phòng, chống cúm A (H5N1); theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh viêm phổi nặng do virus, nhất là tại các cửa khẩu khu vực biên giới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang chủ động phát hiện người qua lại biên giới có biểu hiện sốt cao, nhất là những người đi về từ vùng đang có dịch cúm gia cầm, để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly, xử lý dịch kịp thời.

Đồng thời, tỉnh giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và các trường hợp viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế, cũng như phối hợp, giám sát, phát hiện gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu và qua các đường mòn lối mở, tiến hành cách ly các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A trên người và các chủng virus cúm gia cầm mới xuất hiện.

Là tỉnh có đường biên giới quốc gia giáp với nước bạn Campuchia dài hơn 50km, Đồng Tháp đã yêu cầu các đơn vị y tế trong toàn ngành tăng cường giám sát ca bệnh viêm phổi nặng do virus tại địa phương và đảm bảo phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

Theo đó, ngành Y tế tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, cùng với đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng do vẫn đang mùa lễ hội ở nước ta.

Vì vậy, các địa phương cần tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1)… Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh…

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Ở các nước Đông Nam Á, châu Á, hàng năm thường có chủng lưu hành.

Tuy nhiều năm nay dịch không bùng phát trên người và không gây triệu chứng nặng, tử vong, nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan, cần theo dõi các chủng mới phát hiện và đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng vì dịch cúm này đã gây tử vong cao cho người mắc vào năm 2005.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm dịch thú y trước nguy cơ lây từ đàn gia cầm các nước đang có dịch sang Việt Nam; cũng như nguy cơ lây truyền từ các đàn chim hoang dã…

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, cần có những theo dõi, đánh giá rất cụ thể về nguy cơ như dịch có bùng lên ở đàn gia cầm hay không, có lây sang người hay không và có bùng phát ở người không…

Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, chuyên gia y tế khuyến cáo: từ thực tế dịch đã xảy ra một lần và gây tử vong cao vào năm 2005, người dân không nên chủ quan, cần theo dõi các chủng mới phát hiện.

Người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.
Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.