Người dân chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày đầu tiên các ứng dụng (app) khai báo y tế tự nguyện được triển khai, đông đảo người dân đã tham gia đăng ký và coi đây chính là một hành động thiết thực, ý nghĩa trong việc chung sức, đồng lòng cùng nhau chống dịch COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

 

 Sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện khai báo y tế tại địa chỉ www.tokhaiyte.vn (ảnh chụp chiều 10.3). Ảnh: Hải Nguyễn
Sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện khai báo y tế tại địa chỉ www.tokhaiyte.vn (ảnh chụp chiều 10.3). Ảnh: Hải Nguyễn



Hưởng ứng và chia sẻ

Sáng qua, 10.3, các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã xuất hiện trên Googplay, App Store cũng như hai trang web hỗ trợ khai báo cũng đã được triển khai.

Do có thông tin từ trước, nhất là những phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ ra mắt ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch diễn ra chiều 9.3, nhiều người dân đã nhanh chóng tải ứng dụng về điện thoại cũng như vào các trang web để khai thông tin.

Nguyễn Thị Hạnh - sinh viên năm cuối Học viện quan hệ Quốc tế cho biết: “Tôi và các bạn của mình rất trông chờ các ứng dụng này. Trong tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Đặc biệt qua ứng dụng, tôi sẽ được cập nhật thời gian thực tình trạng dịch bệnh khu vực xung quanh mình sinh sống hoặc những khu vực đang có dịch để chủ động tránh những địa điểm không an toàn”.

Ngay khi các ứng dụng được triển khai, hàng nghìn tải khoản đã được thiết lập. Anh Mạnh Hà - nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Việc khai báo dù không phải bắt buộc nhưng tôi cũng đã tham gia và khuyến khích bạn bè, người cùng cơ quan cùng tham gia ứng dụng này bởi ý nghĩa đặc biệt của nó. Đó chính là cách chúng ta chung tay chống dịch, bảo vệ sức khoẻ bản thân cũng là bảo vệ xã hội và bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng. Qua ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, tôi có thể xem các thống kê, thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục, các hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dịch hiệu quả và an toàn từ các chuyên gia y tế”.

Đồng quan điểm này, chị Giang Thu Thủy - giáo viên, 34 tuổi (xã Đường Lâm - TX.Sơn Tây - Hà Nội) khẳng định: “Tôi thấy có những trường hợp không khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch, nên đã lây lan bệnh có nhiều người khác, khiến cho cơ quan chức năng vô cùng vất vả để điều tra thông tin, khoanh vùng, cách ly. Như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến người khác và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của nhà nước. Tôi cho rằng việc tự nguyện khai báo y tế là hết sức cần thiết đối với mỗi người dân. Các phần mềm khai báo cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần bỏ một chút thời gian là có thể khai báo thông tin. Đây là việc làm trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Tôi rất ủng hộ việc khai báo y tế”.

Cũng là một trong những người tải ứng dụng trong ngày hôm qua, ông Trịnh Thành Sáu - một cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu bổ sung: “Các thông tin trên ứng dụng đã rất hữu dụng rồi nhưng theo tôi, cần bổ sung thêm một vài lựa chọn nữa để khai báo cụ thể hơn. Ví dụ như sống gần vùng đang có dịch không, tên vùng dịch đó là gì hoặc khu vực bạn đang sống và làm việc có thuộc nơi nguy cơ cao không. Tôi cho rằng việc khai báo này, tính trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Bởi nếu khai báo sai, nhất là khai báo không đúng về người mắc bệnh, cơ quan chức năng sẽ mất công huy động nhân lực, vật lực xử lý gây lãng phí. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc khai báo của mình”.

Theo ông Sáu, trong mẫu khai cũng nên có thêm một số mục như tiểu sử bệnh tật cá nhân, nhóm máu. Người khai có thể điền vào những ô này hoặc không nhưng nó cần thiết và giúp các bác sĩ thuận lợi hơn nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh trong trường hợp người khai bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thông tin được bảo mật

Những ứng dụng ra đời đang được người dân ủng hộ. Tuy nhiên vẫn còn một số lo ngại về việc những thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại có thể chưa được bảo mật.

Về việc này, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết: Ứng dụng NCOVI do VNPT cùng các Cty ICT lớn ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển được Bộ Y tế, Bộ TTTT khuyến nghị toàn dân sử dụng sẽ do Nhà nước nắm giữ và bảo mật.

Ông Ngô Diên Hy cho biết: “Ứng dụng này được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. 100% dữ liệu được truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý và được giám sát chặt chẽ về an toàn, an ninh mạng. Như vậy, người dân có thể yên tâm về tính bảo mật cá nhân khi sử dụng ứng dụng này mà không lo bị lộ lọt thông tin cá nhân. Các dữ liệu của người đăng ký sẽ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 có những quyết định kịp thời giúp người dân phòng chống tốt nhất dịch này”.

Trao đổi với Lao Động về ý nghĩa của việc người dân chủ động khai báo y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế cho rằng: “Khai báo y tế toàn dân tuy không bắt buộc, nhưng đây là nghĩa vụ của mỗi người dân vì có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch bệnh. Đơn cử như trong khai báo y tế, người dân sẽ khai báo tất cả những thông tin tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email... khi cần cơ quan chức năng có thể liên hệ trực tiếp với người dân. Đồng thời, người dân sẽ cung cấp thông tin liên quan tới tiền sử bệnh như có ho, sốt, khó thở hay không, có đi nước ngoài trong 14 ngày qua hay không; tiếp đến là khai báo những bệnh nền mà bạn có thể mắc phải như các bệnh mãn tính: Tim mạch, đái tháo đường... để ngành Y tế nắm được thông tin và có hướng xử lý, điều trị nếu cần.

Những thông tin từ việc khai báo y tế sẽ được báo cho y tế cơ sở để liên hệ với người dân, hướng dẫn cho họ đi khám, xét nghiệm nếu cần thiết. Việc này hết sức có lợi, giúp cho ngành y tế nắm bắt thông tin nhanh trên phạm vi cả nước, để kịp thời xử lý, nếu chờ người dân đến cơ sở y tế rồi mới nắm được thông tin dịch bệnh sẽ mất thời gian hơn.

Ngoài việc khai báo y tế liên quan đến dịch bệnh, người dân còn được tư vấn về sức khỏe. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người dân khi tham gia phòng chống dịch bệnh đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc thông tin sớm, sẽ được chẩn đoán bệnh sớm, cách ly sớm và dịch bệnh sẽ không bùng phát ra” - ông Phu nhấn mạnh.

 

https://laodong.vn/y-te/nguoi-dan-chung-suc-dong-long-cung-chinh-phu-chong-dich-covid-19-789954.ldo

Theo Thuỳ Linh - Linh Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những người khác lại lo lắng về những nhược điểm tiềm ẩn của nó.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.