Người chăn nuôi ở Chư Răng lao đao vì dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 4 năm liên tiếp dịch tả heo châu Phi bùng phát đã khiến người chăn nuôi xã Chư Răng (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) điêu đứng. Heo chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, người chăn nuôi luôn trong cảnh thấp thỏm, nhiều hộ không dám tái đàn vì sợ thêm một lần gánh nợ.
Dịch nối dịch
Ngồi thất thần bên hiên nhà, anh Đào Đình Kỷ (thôn Bình Tây) vẫn chưa tin 68 con heo của gia đình phải tiêu hủy vì nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Với quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học, đàn heo của gia đình anh vẫn an toàn suốt 3 năm qua khi dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn. Nhưng năm nay, gia đình anh là hộ chăn nuôi đầu tiên của xã có đàn heo nhiễm bệnh. Chỉ trong vòng 1 tuần, 68 con heo gồm 3 heo nái, 37 heo thịt, 28 heo con lần lượt bỏ ăn rồi chết. Anh kể: Dịch ập đến quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Ngày 12-9, một số con heo con có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao và chết rải rác. Khi mổ thịt kiểm tra, anh thấy lá lách heo thâm đen. Gọi điện cho những chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi thì được họ nhận định đàn heo của anh có khả năng mắc dịch tả heo châu Phi. Anh lập tức báo nhân viên thú y xã xuống kiểm tra lấy mẫu thì kết quả đúng như dự đoán.
Anh Đào Đình Kỷ (thôn Bình Tây) rầu rĩ nhìn hệ thống chuồng trại bỏ không vì dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Vũ Chi
Anh Đào Đình Kỷ (thôn Bình Tây) rầu rĩ nhìn hệ thống chuồng trại bỏ không vì dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Vũ Chi
Anh Kỷ hoàn toàn không biết nguồn lây dịch bệnh từ đâu, trong khi gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài 2 vợ chồng, người lạ tuyệt đối không được ra vào khu vực chuồng trại. Mỗi tuần, anh tiến hành khử trùng chuồng nuôi 2 lần. Heo nái sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nên nguồn lây từ heo đực khi phối giống là không thể. “Những năm trước, khi hàng xóm có heo chết hàng loạt vì dịch thì gia đình tôi vẫn không bị ảnh hưởng. Không ngờ, năm nay, đàn heo của gia đình lại bị dịch đầu tiên. Bao nhiêu vốn liếng dồn vào đợt heo Tết, giờ mất hết rồi. Heo chết, vợ chồng tiếc của ốm mất hơn tuần, phải truyền nước mới gượng dậy nổi. Giờ gần 200 m2 chuồng trại của gia đình bỏ không, nhìn mà ứa nước mắt”-anh Kỷ rầu rĩ cho biết.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Đức Sáng (thôn Đoàn Kết) cũng có 10 con heo với trọng lượng 466 kg bị bệnh dịch tả heo châu Phi vừa tiêu hủy. Ông Sáng chia sẻ: Năm 2019, đàn heo của gia đình chỉ có 1 con mắc dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy. Từ đó, gia đình chuyển sang nuôi heo địa phương vì sức đề kháng tốt hơn. Không ngờ, cả đàn chết không còn con nào. Tiếc nhất là 7 con heo nái. “Với giá heo đen hiện tại là 80.000 đồng/kg, thiệt hại ước tính gần 40 triệu đồng. Năm tới, tôi dự định phải bỏ trống chuồng trại chứ chăn nuôi mà dịch liên tiếp thế này thì nợ nần chồng chất”-ông Sáng cho hay.
Cẩn trọng tái đàn
Theo bà Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Răng: Đây là năm thứ 4 liên tiếp dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn xã. Năm 2019, toàn xã có 85 hộ có heo nhiễm bệnh với 764 con, tổng trọng lượng 36.445 kg. Năm 2020, dịch chỉ xảy ra tại 1 hộ làm chết 21 con với trọng lượng 1.408 kg. Năm 2021, dịch xuất hiện tại 43 hộ, làm chết 263 con heo với trọng lượng 21.223 kg. Năm nay, dịch tiếp tục tái phát. Đến thời điểm hiện tại, 2 hộ gia đình có heo nhiễm bệnh với tổng số 78 con, trọng lượng 2.610 kg. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã khiến người chăn nuôi lao đao, đặc biệt trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang cao như hiện nay. Nhiều hộ không dám tái đàn vì lo ngại dịch xuất hiện trở lại. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tái đàn, cần khử khuẩn, cải tạo lại chuồng nuôi, đảm bảo diệt sạch mầm bệnh. Đặc biệt, người dân không nên phát triển đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa vì thời tiết mưa nắng thất thường dễ làm cho vi rút gây bệnh phát triển.
Lực lượng chức năng xã Chư Răng vận chuyển heo bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng chức năng xã Chư Răng vận chuyển heo bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Vũ Chi
Anh Kỷ cho biết: Nhờ chăn nuôi heo, gia đình có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại cho gia đình, trong khi hệ thống chuồng trại đầu tư hơn 600 triệu đồng không thể bỏ. “Tôi dự kiến sang năm sẽ sửa chữa lại chuồng nuôi, đổ bê tông nền chuồng cao thêm, quét vôi tường, kẹp nhiệt lại toàn bộ khung sắt để diệt mầm bệnh rồi mới dám tái đàn. Ban đầu chắc cũng chỉ dám nuôi lại 4-5 con. Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để người chăn nuôi yên tâm tái đàn trở lại”-anh Kỷ bộc bạch.
Trao đổi với P.V, bà Đoàn Thị Phú Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-thông tin: Ngay sau khi dịch tả heo châu Phi tái phát tại xã Chư Răng, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương cấp 68 lít hóa chất, 150 kg vôi bột để khử trùng, khoanh vùng, dập dịch. Tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, vì vậy, Trung tâm khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt); đồng thời, nếu phát hiện heo có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao cần báo ngay chính quyền địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy theo quy định, tránh để dịch lây lan.
NGUYÊN HƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.