Quang cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: Mai Ka |
Đề tài “Xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh” được triển khai thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 7-2020 đến tháng 1-2023) với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng dược liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm chủ yếu vẫn còn dựa trên các phương pháp dân gian. Cách sử dụng dược liệu trong chăn nuôi còn thô sơ và không thể bảo quản lâu. Nhằm góp phần khai thác tiềm năng của thảo dược trong chăn nuôi sạch, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra tình hình chăn nuôi, tình hình trồng và sử dụng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời xây dựng mô hình chăn nuôi có sử dụng dược liệu. Tiếp đó, xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng các loại thức ăn dược liệu trong chăn nuôi cho 2 loại gia súc, gia cầm chính là heo và gà.
Đề tài đã tìm ra các loại dược liệu có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh. Đồng thời, xây dựng được quy trình kỹ thuật thu hái-chiết tách-phối trộn các nhóm dược liệu tiềm năng tạo ra hỗn hợp dược liệu có phổ kháng khuẩn rộng; xây dựng quy trình sử dụng các loại thức ăn chứa hỗn hợp dược liệu thay thế chế phẩm kháng sinh trong chăn nuôi cho 2 loại gia súc, gia cầm chính là heo và gà; xây dựng mô hình chăn nuôi heo thịt, gà thịt có sử dụng dược liệu trong thức ăn thay thế thuốc kháng sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Quân-Chủ nhiệm đề tài báo cáo quá trình thực hiện. Ảnh: Mai Ka |
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý cho nhóm thực hiện đề tài về một số nội dung như: tình hình phát triển dược liệu tại Gia Lai; quy trình tách chiết và thử nghiệm dược liệu trên heo và gà; điều kiện áp dụng thực tiễn của đề tài…
Kết quả, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai xếp loại đạt.