Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Với chủ đề “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm 2023 nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; qua đó kêu gọi sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương.

P.V: Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023, Sở Công thương đã xây dựng và triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, thưa bà?

Bà Đào Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Vũ Thảo

Bà Đào Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Vũ Thảo

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Ngày 15-3 hàng năm đã được công nhận là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Năm nay, Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-SCT, trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27-10-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP; Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công thương kết hợp tuyên truyền đến các nhà sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền đến người tiêu dùng các quyền và nghĩa vụ để chủ động bảo vệ mình. Đồng thời, báo ngay với cơ quan chức năng khi quyền lợi bị xâm hại và sẵn sàng phối hợp để giải quyết vụ việc; thông tin về những vụ việc, hàng hóa vi phạm và thủ đoạn vi phạm để người tiêu dùng biết.

Tổ chức treo băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu tuyên truyền tại trung tâm thương mại, siêu thị và các trục đường chính. Phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, trình độ công chức quản lý nhà nước và doanh nghiệp về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Năm nay, với chủ đề “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở với các hình thức phong phú, đa dạng, nhằm kêu gọi sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

P.V: Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Sở Công thương đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương phổ biến, tuyên truyền bằng hình thức treo băng rôn, cờ phướn tại các tuyến đường chính, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất kinh doanh với các khẩu hiệu như: Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn; An toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến; Người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin khi giao dịch; Hãy bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất phát triển; Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; Không sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường; Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; 1800-6838-Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Sở thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, phản ánh ý kiến của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh tổ chức các sự kiện liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: chương trình tri ân khách hàng, cam kết bình ổn giá, khuyến mại, treo băng rôn…; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ động triển khai thực hiện chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng: xây dựng bộ phận chuyên trách tư vấn, hỗ trợ tiếp nhận giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng; tích cực tham gia các hoạt động thiết thực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm và khoảng thời gian cao điểm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường, trong đó tập trung vào tháng có Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm. Ảnh: Vũ Thảo

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm. Ảnh: Vũ Thảo

P.V: Với các khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, bà có thể cho biết tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm nay như thế nào?

- Bà ĐÀO THỊ THU NGUYỆT: Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Hiện nay, quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể.

Người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, giá cả đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cá nhân, doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 các huyện, thị xã, thành phố đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; tối thiểu 80% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng; thành lập 6 hội bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện; hình thành ít nhất 3 tổ chức hòa giải theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm 100% khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 80% vụ việc được tiếp nhận; xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.