Ngành Tài chính Gia Lai linh hoạt điều hành ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, ngành Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cân đối nguồn thu và nhiệm vụ chi phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 
Theo dự toán, tổng chi ngân sách nhà nước của huyện Chư Pah, Gia Lai trong năm 2019 là hơn 363,6 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, chi từ nguồn tăng thu HĐND huyện giao là 1,5 tỷ đồng, chi từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm trước chuyển sang là 4,59 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, huyện Chư Pah thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản chi theo dự toán, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch. Đồng thời, huyện ưu tiên dành nguồn vốn 26,41 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông nông thôn khu vực các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Ia Phí, Ia Mơ Nông, Chư Jôr, thị trấn Phú Hòa, thị trấn Ia Ly; nhà làm việc, trường học, công viên, chợ, hệ thống điện chiếu sáng; mở rộng hệ thống “một cửa điện tử” tại các xã Hà Tây, Hòa Phú, Ia Phí, Chư Đăng Ya, Ia Kreng, Chư Jôr.
 Làm đường giao thông làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah). Ảnh: ĐỨC THỤY
Làm đường giao thông làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah). Ảnh: Đức Thụy
Theo ông Cao Việt Lĩnh-Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Pah, năm 2019 là năm hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Do đó, việc đầu tư các hạng mục công trình, dự án này nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn, hỗ trợ phát triển du lịch đồng thời gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, một số chương trình, lĩnh vực đầu tư còn gắn với mục tiêu phấn đấu xây dựng 2 xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; xã Nghĩa Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và làng Kênh (xã Nghĩa Hòa) đạt chuẩn làng nông thôn mới. 
 
Trong quý I-2019, Sở Tài chính dự kiến thực hiện phân bổ các nguồn kinh phí theo dự toán. Theo đó, chi sự nghiệp kinh tế hơn 31,8 tỷ đồng; chi sự nghiệp y tế phân bổ sau cho các đơn vị theo Chương trình 64-CTr/TU hơn 24,7 tỷ đồng; chi sự nghiệp khoa học-công nghệ phân bổ sau hơn 6,8 tỷ đồng; chi khác ngân sách hơn 41,8 tỷ đồng; chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo phân bổ sau gần 51,6 tỷ đồng…

Đối với toàn tỉnh Gia Lai, theo dự toán HĐND tỉnh giao, tổng chi ngân sách năm nay hơn 12.283 tỷ đồng. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương hơn 10.318 tỷ đồng, chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135 và một số chương trình, dự án, nhiệm vụ khác từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là hơn 1.965 tỷ đồng. Trên tinh thần đảm bảo cân đối nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành quyết liệt. Cụ thể, chi thường xuyên thực hiện triệt để tiết kiệm gắn với sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế, thu gọn đầu mối, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao mức độ tự chủ về tài chính theo đúng quy định; đẩy mạnh xã hội hóa, giảm dần mức độ hỗ trợ từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công; dành nguồn lực chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng hưởng chế độ chính sách, chi đầu tư phát triển. “Trên cơ sở điều chỉnh lại cơ cấu chi, tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, nông nghiệp và nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh nhà, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nguồn thu cho ngân sách”-ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Dũng, gắn với việc điều chỉnh cơ cấu chi, trong năm nay, ngành Tài chính tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các dự án, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính. Mặt khác, cơ cấu cân đối hợp lý về chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế, giảm dần tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao; tập trung vốn đầu tư Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác để thực hiện một số dự án đầu tư trọng điểm về hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm, động lực.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.