Ngân hàng Nhà nước: Mục tiêu 80% người dân từ 15 tuổi có tài khoản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50%-80% và giá trị giao dịch đạt 80%-100%/năm.
 

 Toàn cảnh tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. (Ảnh: Vietnam+)
Toàn cảnh tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. (Ảnh: Vietnam+)



Ngày 13/4 tại Hà Nội, báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch.”

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngành ngân hàng phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50%-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80%-100%/năm, qua kênh Internet đạt 35%-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Theo ông Tuyên, thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam. Điển hình là thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc, thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng mobile banking… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: Thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.

Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành cuối năm 2021.

Để phục vụ thông suốt việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết công ty luôn dự phòng 50% công suất, hiện kể cả cao điểm nhất về số lượng giao dịch cũng chỉ chiếm trên 40% hiệu năng thiết kế của hệ thống.

Ngoài ra, Napas liên tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Về thẻ chip nội địa, Napas đã triển khai bộ sản phẩm thẻ chip nội địa, từ thẻ ghi nợ, thẻ trả trước và gần đây là thẻ tín dụng nội địa đáp ứng đầy đủ nhu cầu các khách hàng của các ngân hang về sản phẩm thẻ, phục vụ đề án chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ thêm về các giải pháp góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công đã được triển khai thời gian qua, ông Minh cũng cho biết hiện Napas đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các bộ, cục, cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).