Ngân hàng lưu động ở Gia Lai rút ngắn khoảng cách với khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào giữa tháng 11-2018, Agribank Gia Lai đã đưa vào hoạt động Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại UBND xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Với mô hình này, khoảng cách giữa ngân hàng với khách hàng ở khu vực nông thôn được rút ngắn đáng kể khi các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được cung cấp ngay tại chỗ.
Rút ngắn thời gian, khoảng cách nhằm mở rộng tín dụng, đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là mục tiêu mà Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) hướng đến khi triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Theo thống kê của Agribank, nếu như tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc, bình quân 15 xã có 1 phòng giao dịch thì ở khu vực Tây Nguyên, bình quân 18 xã có 1 phòng giao dịch. Đặc biệt, tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn thì khoảng cách di chuyển từ xã đến phòng giao dịch lên đến 60 km. Trong khi đó, với nền khách hàng của Agribank (hơn 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn), nhu cầu vay vốn, gửi tiết kiệm và tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng. 
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng sẽ giúp Agribank mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Sơn Ca
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng sẽ giúp Agribank mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Sơn Ca
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, tháng 1-2018, Agribank đã triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đợt 1 tại 30 chi nhánh trên toàn quốc, trong đó có Agribank Đông Gia Lai. Theo đó, xe ô tô chuyên dùng được trang bị các thiết bị kỹ thuật cần thiết như két sắt, công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống định vị và giám sát đa năng nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho hoạt động giao dịch tại chỗ. Ngay tại Điểm giao dịch lưu động sẽ cung cấp đầy đủ dịch vụ, tiện ích như tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, gửi tiền, rút tiết kiệm, chuyển tiền, mở tài khoản, chi trả kiều hối, thanh toán hóa đơn, phát hành thẻ, nộp thuế, các dịch vụ bảo hiểm liên kết ngân hàng... Tính đến 30-9-2018, các chi nhánh triển khai đợt 1 giai đoạn I của đề án đã tổ chức được 1.803 phiên giao dịch, phục vụ cho 196.874 lượt khách hàng tại 229 xã trên toàn quốc. Trung bình mỗi phiên, điểm giao dịch phục vụ 109 khách hàng; thực hiện giải ngân số tiền hơn 884 tỷ đồng/7.805 khách hàng, thu nợ gốc-lãi hơn 760 tỷ đồng/139.786 khách hàng, huy động tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng/3.101 khách hàng, dịch vụ chuyển tiền hơn 545 tỷ đồng/12.576 khách hàng, dịch vụ khác 20.454 khách hàng… 
Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Sự kiện Agribank Gia Lai triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại địa bàn cụm 5 xã phía Bắc huyện sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đây là giải pháp lâu dài để từng bước đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” gây bất ổn trên địa bàn. Chúng tôi sẽ đề nghị Agribank tiếp tục nhân rộng mô hình này tại địa bàn các xã phía Đông Nam của huyện”.

Giữa tháng 11-2018, Agribank Gia Lai là một trong 37 chi nhánh trực thuộc hệ thống Agribank triển khai đợt 2 giai đoạn I của đề án này trên toàn quốc. Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại UBND xã Chư Rcăm sẽ tổ chức 4 phiên giao dịch/tháng nhằm phục vụ khách hàng các xã: Uar, Chư Rcăm, Ia Rsai, Ia Rsươm, Chư Drăng (huyện Krông Pa). “Tôi là khách hàng của Agribank Krông Pa đã hơn 13 năm. Trước kia, mỗi khi giao dịch với ngân hàng tại trung tâm huyện, tôi phải mất nửa ngày. Giờ thì khoảng cách từ nhà tôi đến UBND xã Chư Rcăm chỉ 3 km. Trực tiếp giao dịch trả tiền lãi ngân hàng tại Điểm giao dịch lưu động, tôi thấy nhanh chóng, tiện lợi và an tâm lắm”-chị Đinh Thị Khuyên (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai) chia sẻ.  
Với đặc thù hoạt động tại địa bàn nông thôn, việc mở rộng mạng lưới hoạt động của Agribank là rất cần thiết để đến gần hơn với khách hàng, phát triển khách hàng và mở rộng đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-nhận định: “So với việc thành lập thêm chi nhánh hay phòng giao dịch đòi hỏi phải có trụ sở làm việc, chi phí lớn thì việc mở thêm Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng là phù hợp với điều kiện hiện nay của Agribank. Đây là mô hình mới về cơ cấu tổ chức mạng lưới hoạt động, bước đầu được đánh giá là có hiệu quả trong công tác phục vụ khách hàng, được cấp ủy, chính quyền địa phương và khách hàng rất ủng hộ”.
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.