Nâng tầm giá trị sản phẩm heo Broong Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm heo Broong trên thị trường, huyện Đức Cơ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai nhiệm vụ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Theo tiếng Jrai, heo Broong có nghĩa là trên cơ thể con heo có những sọc vàng, sọc nâu hoặc là heo sóc vì hình thù giống con sóc. Heo Broong được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Đức Cơ nói riêng. Loài heo này được nuôi phổ biến trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 800 hộ nuôi với quy mô hơn 3.000 con. Tuy nhiên, số lượng đàn heo Broong đang có xu hướng giảm.

Để bảo vệ nguồn gen heo Broong, huyện đã thành lập Nông hội chăn nuôi heo Broong Đức Cơ; triển khai Dự án “Phục tráng giống heo Broong Đức Cơ; sản xuất đại trà theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm OCOP”…

Bà Nguyễn Thị Hoài (làng Triêl, xã Ia Pnôn) cho hay: Năm 2000, gia đình bà nuôi giống heo Broong nhưng với số lượng ít. Đến năm 2020, khi triển khai Dự án “Phục tráng giống heo Broong Đức Cơ; sản xuất đại trà theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Đức Cơ”, gia đình bà được hỗ trợ 20 triệu đồng để mua 5 con heo giống và làm chuồng trại chăn nuôi. Sau 1 năm, gia đình hoàn trả 5 con heo giống để hỗ trợ hộ khác. Đến nay, đàn heo của bà được duy trì với số lượng 30-40 con.

“Nhà tôi có 7 con heo nái, 1 con heo đực để phát triển đàn. Bình quân mỗi năm, gia đình xuất chuồng khoảng 150 con heo thịt (trọng lượng trung bình 10-30 kg/con). Giống heo này rất khỏe, ít bị dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là cây chuối, củ mì, cỏ, rau quả. Gia đình cũng tận dụng cho heo ăn thêm hèm rượu nhà nấu. Giá heo thịt dao động khoảng 90-120 ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm. Nếu để heo càng lớn thì giá càng giảm. Mỗi năm, gia đình thu nhập từ chăn nuôi heo Broong được hơn 100 triệu đồng”-bà Hoài chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoài (làng Triêl, xã Ia Pnôn) chăm sóc đàn heo Broong của gia đình. Ảnh: L.N

Bà Nguyễn Thị Hoài (làng Triêl, xã Ia Pnôn) chăm sóc đàn heo Broong của gia đình. Ảnh: L.N

Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ (xã Ia Krêl) đã đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất và thu mua heo của bà con để chế biến các sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường. Ông Hán Văn Đệ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: Một lần được thưởng thức thịt heo Broong, ông thấy loại thịt này thơm ngon, sạch và có hương vị đặc trưng. Vì vậy, ông đã mua giống heo này về nuôi thử nghiệm và thấy hiệu quả. Sau đó, HTX đầu tư chế biến thịt heo một nắng cung cấp ra thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

“Sản phẩm thịt heo một nắng chế biến từ thịt ba chỉ heo Broong của HTX được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 1 tấn sản phẩm heo Broong một nắng ra thị trường trong và ngoài tỉnh”-ông Đệ thông tin.

Để bảo tồn và nhân rộng giống heo Broong, năm 2023, huyện Đức Cơ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”. Bà Cao Thị Thủy-Chuyên viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Chủ nhiệm nhiệm vụ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”-cho biết: Nhiệm vụ được thực hiện trong năm 2023 với tổng chi phí 388 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được xác lập quyền sở hữu công nghiệp sẽ góp phần nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được bảo hộ độc quyền giúp cho thương hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện không nhầm lẫn với các thương hiệu khác. Mặt khác, các chủ thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” sẽ yên tâm quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. “Đến nay, hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” đã hoàn tất, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố”-bà Thủy thông tin thêm.

Đàn heo Broong con của gia đình bà Nguyễn Thị Hoài được khoảng 2 tháng tuổi. Ảnh: L.N

Đàn heo Broong con của gia đình bà Nguyễn Thị Hoài được khoảng 2 tháng tuổi. Ảnh: L.N

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ: Chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” là UBND huyện. Việc đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm heo Broong trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, góp phần bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.

“Nếu được cấp nhãn hiệu chứng nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình nhân rộng giống heo Broong theo hướng chăn nuôi an toàn; tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân, HTX chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng chuỗi liên kết giữa hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập”-ông Tư cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.