Nâng mũi bằng chỉ dễ tai biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít bệnh nhân tìm đến cấp cứu tại các bệnh viện để cứu vãn chiếc mũi, với các biến chứng như tình trạng thối thịt tại mũi, mũi biến dạng... sau khi đi cấy chỉ nâng mũi ở các trung tâm thẩm mỹ, spa không đảm bảo điều kiện y tế.
Một ca tai biến phải lấy chỉ từ mũi ra - Ảnh: BVCC
Một ca tai biến phải lấy chỉ từ mũi ra - Ảnh: BVCC
Phương pháp nâng mũi bằng chỉ không phẫu thuật, có nguồn gốc từ Hàn Quốc đang được các bác sĩ cảnh báo là tiềm ẩn các hệ lụy gây nguy hiểm cho sức khỏe do bị biến tướng sau khi chuyển giao vào VN.
Chỉ sinh học không nguồn gốc
Theo PGS.TS Phạm Trịnh Quốc Khanh, trưởng khoa bỏng - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, nâng mũi bằng chỉ là phương pháp sử dụng bó chỉ hoặc bó sợi chỉ sinh học có thể tự tan theo thời gian. 
Cụ thể, sợi chỉ sinh học được luồn vào bằng cách đâm kim tiêm vào đầu mũi, kích thích tạo collagen tự nhiên và chỉ sẽ tự tiêu biến. Biện pháp này chủ yếu dành cho những người có dáng mũi sẵn. Thời gian duy trì khoảng 1-2 năm tùy điều kiện cơ thể mỗi người.
Nguồn gốc sợi chỉ sinh học sử dụng trong nâng mũi là một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất hiện nay. Vật liệu chỉ được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thẩm mỹ, tuy nhiên phương pháp nâng mũi bằng chỉ không nằm trong danh mục kỹ thuật quy định. Sợi chỉ sử dụng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhập khẩu. 
Thế nhưng, hiện nay trên thị trường chỉ sinh học dùng cho phương pháp này được dùng tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vì vậy có nhiều nguy cơ gây hại cho người sử dụng.
Mặt khác, phương pháp này được áp dụng chủ yếu ở một số spa, trung tâm thẩm mỹ không đảm bảo điều kiện an toàn.
BS Phan Hiệp Lợi, giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ, chia sẻ: "Một số trung tâm thẩm mỹ, spa có thực hiện phương pháp nâng mũi bằng chỉ do những bác sĩ không đủ trình độ chuyên môn, hoặc những người được đào tạo vài tháng thực hiện, thậm chí thực hiện tại nhà khiến nảy sinh nhiều nguy cơ mất an toàn, chưa kể phương pháp này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế nó đòi hỏi một bác sĩ có tay nghề, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc vô trùng của ngoại khoa".
Mất nhiều hơn được
PGS Phạm Trịnh Quốc Khanh cho biết thông thường, những trường hợp bệnh nhân sử dụng phương pháp nâng mũi ở những nơi không uy tín, cấy phải loại chỉ kém chất lượng, hoặc kỹ thuật thẩm mỹ không đảm bảo thì nguy cơ đầu tiên bệnh nhân phải đối mặt là dị ứng, sưng, đỏ. Nhiều trường hợp bệnh nhân không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cấu trúc mũi bị hỏng, biến dạng.
Gần đây bệnh viện thẩm mỹ H tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân phải đến để phẫu thuật lấy búi chỉ, tạo hình dáng mũi lại vì hiện tượng vùng mũi phản ứng với chỉ kém chất lượng sau khi nâng mũi bằng chỉ. Nữ bệnh nhân tên T., đến bệnh viện để chỉnh sửa mũi lại sau khi nâng mũi bằng chỉ. 
Theo nữ bệnh nhân, chị đi cấy chỉ, nâng mũi tạo hình ở một spa qua lời giới thiệu của một người bạn. Sau khoảng 3 ngày nâng mũi, nhận thấy sợi chỉ hằn lộ lên sống mũi, da mũi đỏ, sưng tấy, bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán có nguy cơ nhiễm trùng các mô xơ, nếu không đến bệnh viện kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng, đặc biệt là khó lấy lại dáng mũi ban đầu.
Theo BS Phan Hiệp Lợi, bên cạnh những hệ lụy về thẩm mỹ, nhiều bệnh nhân còn chịu ảnh hưởng tâm lý lo âu, buồn bã sau hậu quả của việc nâng mũi bằng chỉ bị thất bại. Thêm nữa là bệnh nhân bị tốn kém hơn nhiều khi chỉnh sửa lại mũi, chi phí sẽ cao hơn trên 20% so với chi phí nâng mũi ban đầu.
PGS Khanh cho rằng mọi người nên cân nhắc khi sử dụng biện pháp này, và nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Biện pháp an toàn
* PGS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa và bộ môn tạo hình - thẩm mỹ (BV Đại học Y dược TP. HCM), chia sẻ:
Nâng mũi bằng chỉ là một phương pháp ít xâm lấn, được chấp nhận trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi thực hiện, có ba lưu ý như sau:
1 Chọn đúng người thực hiện là bác sĩ được đào tạo chuyên ngành về thẩm mỹ, được cấp phép hành nghề thẩm mỹ.
2 Thực hiện thẩm mỹ ở một cơ sở, bệnh viện được Sở Y tế, cơ quan chức năng cấp phép hành nghề.
3 Vật liệu chỉ sử dụng chính thống và có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế.
Hồng Phương (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.