( GLO)- Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 ( COP 26) các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 với 197 nước tham gia, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo 231/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Ban chỉ đạo ( BCĐ) quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam.
Nhiều đoạn dọc bờ sông Ba, Gia Lai từng bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh: Internet
Đồng lọat khởi động
Thông báo cho biết BCĐ và các thành viên, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện và hoàn thành nhiều mục tiêu nhiệm vụ đề ra, cả trước mắt và lâu dài.
Đã hoàn thành xây dụng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ giải pháp thực hiện cam kết COP 26, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050, chương trình hành động quốc gia về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành GTVT, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, kế hoạch hành động giảm khí thải metan đến 2030, kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Xây dựng và công bố báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam, cập nhật Đóng góp do quốc gia quyết định ( NDC) năm 2022; rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 phù hợp xu thế chuyển đổi năng lượng xanh- sạch.
Nhiều bộ ngành đã ký kết thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, trao đổi với nhiều tổ chức, định chế quốc tế nhằm huy động nguồn lực triển khai.
Các địa phương chủ động vào cuộc cùng các bộ ngành quán triệt thực hiện các cam kết COP 26, khảo sát đánh giá làm rõ thế mạnh của địa phương, nhiệm vụ phải triển khai.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã hành động với các dự án xe điện, điện gió ngoài khơi, sản xuất năng lượng sinh khối…Và truyền thông được đẩy mạnh góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo cảm hứng cho HTCT các cấp.
Bổ sung làm rõ 6 quan điểm
Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, BCĐ quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam với COP 26, đã thống nhất làm rõ, bổ sung các quan điểm, chủ trương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, chủ động ứng phó với BĐKH là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức COP 26
Hai là, ứng phó với BĐKH thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách pháp luật hiệu lực hiệu quả, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Ba là, ứng phó với BĐKH là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả HTCT và toàn xã hội, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, nhà nước có vai trò kiến tạo, dẫn dắt ; DN và người dân đóng vai trò trung tâm và chủ thể thực hiện cùng sự tham gia của các tổ chức CT-XH.
Bốn là, các giải pháp có trọng tâm trọng điểm để làm giảm mức độ tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH; ưu tiên đảm baỏ an toàn, sinh kế cho người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên lợi thế của vùng, miền.
Năm là, tập trung nguồn lực ứng phó với BĐKH, phát triển các cơ chế, thị trường, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Sáu là, thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập ngày càng nâng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế .
Dựa trên các quan điểm này, BCĐ quốc gia tiếp tục có trách nhiệm hoàn thiện thẻ chế, cơ chế chính sách. Bộ TN-MT có nhiệm vụ tổng hợp theo dõi tình hình thực hiện Đề án, giải pháp nhiệm vụ của ác Bộ ngành, cơ quan triển khai thực hiện COP 26 và báo cáo về BCĐ những vấn đề phát sinh. BCĐ cũng đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Tài chính, KH-CN, TT-TT căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Với Quyết định số 888/QĐ-TTg, Đề án của Chính phủ thực hiện COP 26 chỉ rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp, gồm:
1- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
2- Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon.
3- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.
4- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.
5- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
6- Chủ động thích ứng với BĐKH.
7- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông.
8- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.
Chính phủ đồng thời khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo; đẩy mạnh nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị,...
THẤT SƠN