Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

Niềm vui từ ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Nếu đầu niên vụ 2023-2024, giá cà phê ở mức khoảng 60.000 đồng/kg thì thời điểm này, giá đã trên 90.000 đồng/kg, giá cà phê xuất khẩu cũng tăng lên khoảng 3.000-3.500 USD/tấn.

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho biết: Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê cả nước giảm 17-20%. Tại Gia Lai, sản lượng cà phê giảm khoảng 28-30%. Từ tháng 10-2023 đến tháng 2-2024, sản lượng cà phê xuất khẩu trong cả nước đạt khoảng 760.000 tấn.

Như vậy, niên vụ này còn 7 tháng nữa nhưng lượng tồn kho cả nước hiện chỉ còn khoảng 565.000 tấn (trong đó, lượng hàng trong dân còn khoảng 200.000 tấn), trong khi mức tiêu thụ dự kiến phải đảm bảo khoảng 1 triệu tấn. Theo đó, sẽ thiếu hụt nguồn cung khoảng 400.000 tấn.

Nhận định về yếu tố đẩy giá cà phê trên thị trường tăng cao, ông Hiệp cho rằng: Khi giá cà phê ở mức thấp, người dân tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích chuyển đổi trong cả nước khoảng 50.000 ha, kéo theo sản lượng hụt khoảng 120.000 tấn.

Cùng với đó, cà phê lại mất mùa nên lượng thiếu hụt càng lớn hơn, dẫn đến giá tăng cao. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị kim ngạch lại tăng cao bởi giá xuất khẩu tăng đến 40%.

“Niên vụ 2022-2023, Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 160.000 tấn, tương ứng kim ngạch 350 triệu USD. Trong 5 tháng đầu niên vụ (từ tháng 10-2023 đến tháng 2-2024), Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng cà phê cả nước với sản lượng xuất khẩu hơn 81.000 tấn, tương ứng kim ngạch khoảng 270 triệu USD. Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng nửa tỷ USD trong niên vụ này”-ông Hiệp thông tin.

Giá cà phê tăng cao người dân được hưởng lợi. Ảnh: V.T

Giá cà phê tăng cao người dân được hưởng lợi. Ảnh: V.T

Cà phê là mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 167 triệu USD (tăng 11,33% so với cùng kỳ năm ngoái); riêng xuất khẩu cà phê đạt 115 triệu USD với sản lượng 45.000 tấn (tăng 7,14% về lượng, tăng 17,35% về giá trị). Dự kiến sản lượng cà phê xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 92.660 tấn, tương ứng giá trị khoảng 266 triệu USD.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương: Trên địa bàn tỉnh dù chỉ có một vài doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng đều là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường quốc tế như: Vĩnh Hiệp, Hoa Trang, Tín Thành Đạt, Louis Dreyfu Company Việt Nam (doanh nghiệp FDI).

Các doanh nghiệp này đều có nhà máy chế biến quy mô lớn, hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp mở rộng; đồng thời, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra nguồn hàng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…

Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA, RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 750 triệu USD (tăng 10% so với năm trước), trong đó, mặt hàng cà phê đóng góp chính vào giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nỗ lực vì ngành hàng cà phê bền vững

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 100.000 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 87.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 260.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 46.000 ha cà phê được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Rainforest, Organic…

Ông Phạm Văn Trình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Tín Thành Đạt-cho hay: “Hiện nay, Công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước, nhất là khối châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 70%. Năm 2024, nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới tăng, nhất là ở các quốc gia châu Á. Năm 2024, Công ty dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn cà phê.

Để đảm bảo đủ nguồn hàng cho xuất khẩu, Công ty đã liên kết phát triển cà phê bền vững theo các chứng nhận tiêu chuẩn 4C, Rainforest với 3.500 nông hộ ở huyện Ia Grai, Chư Păh sản xuất trên diện tích khoảng 10.000 ha”.

Để đảm bảo đủ nguồn hàng cho xuất khẩu, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết phát triển cà phê bền vững theo các chứng nhận tiêu chuẩn 4C, Rainforest. Ảnh: V.T

Để đảm bảo đủ nguồn hàng cho xuất khẩu, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết phát triển cà phê bền vững theo các chứng nhận tiêu chuẩn 4C, Rainforest. Ảnh: V.T

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Để chủ động nguồn hàng có chất lượng phục vụ xuất khẩu, Vĩnh Hiệp đã liên kết sản xuất trên diện tích 25.000 ha với sản lượng đạt khoảng 75.000 tấn/năm, còn lại khoảng 85.000 tấn thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý. Đến nay, Công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%”.

Theo ông Hiệp, việc Công ty hợp tác với Công ty JDE Peet’s khởi động Dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho các cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy phương thức sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum” sẽ hỗ trợ cho khoảng 10.000 hộ nông dân sản xuất cà phê, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh.

Thúc đẩy liên kết, chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu đáp ứng quy định của châu Âu về sản xuất không phá rừng.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Mỗi năm, toàn tỉnh thực hiện tái canh khoảng 1.500 ha cà phê. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích mà duy trì ổn định khoảng 100.000 ha cà phê, trong đó, 80% diện tích là sản xuất theo các tiêu chuẩn để đảm bảo nguồn hàng chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.

Theo đó, ngành sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cà phê, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu, đưa mặt hàng cà phê vững tiến vào các thị trường lớn trên thế giới, tạo ra giá trị lớn đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.