Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 100.000 ha, trong đó có hơn 87.000 ha đang kinh doanh, năng suất bình quân đạt 3 tấn nhân/ha, tổng sản lượng đạt hơn 267.000 tấn nhân/năm. Mỗi năm, toàn tỉnh tái canh khoảng 1.500 ha cà phê già cỗi, sâu bệnh bằng những loại giống mới chất lượng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 46.000 ha cà phê được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Rainforest, Organic…
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành cà phê để phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh xác định phát triển cà phê theo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới. Tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện chứng chỉ carbon rừng và chứng chỉ carbon trên cây cà phê để đáp ứng các quy định của thế giới về giảm phát thải khí nhà kính cũng như thực hiện các quy định và cam kết minh bạch với EU về phát triển ngành hàng cà phê giảm suy thoái rừng, tránh phá rừng trên địa bàn. Tỉnh đã có quy hoạch 3 loại rừng, trong đó xây dựng tọa độ rừng hết sức cụ thể, không phát triển nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp. Từ đây, tỉnh sẽ có những kế hoạch hành động cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xây dựng các tọa độ vùng trồng cà phê để gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch các tọa độ vùng trồng này với EU. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của EU và thế giới về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển ngành hàng cà phê tránh phá rừng.
Hiện nay, giá cà phê đang ở mức cao, giá trị kinh tế mang lại trên một đơn vị diện tích cao hơn nhiều loại nông sản khác. Do đó, người nông dân đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững. Ông Uê (làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa) cho hay: “Tôi là nhóm trưởng nhóm sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C ở xã Glar. Nhóm có 100 hộ với diện tích hơn 200 ha. Chúng tôi đã liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê 4C từ năm 2015. Khi liên kết, bà con nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê. Sản xuất cà phê 4C theo bộ quy tắc kỹ thuật hướng dẫn, năng suất đạt 4-5 tấn nhân/ha, còn làm theo phương pháp cũ chỉ khoảng 2 tấn. Đặc biệt, khi thu mua, Công ty có cộng thưởng cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg”.
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Công ty tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững từ năm 2009 đến nay. Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có trách nhiệm hàng đầu của Việt Nam. Việc này có sự đóng góp rất quan trọng của người nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức chứng nhận 4C, RA, CDC, góp phần đưa sản phẩm cà phê Robusta của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
“Dự án sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cho khoảng 10.000 hộ nông dân nhằm nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu đáp ứng quy định của EU về sản xuất không phá rừng”-ông Hiệp chia sẻ.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty JDE Peet’s phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ người nông dân sản xuất cà phê đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum. |
Đại diện nhà tài trợ dự án, ông Đỗ Ngọc Sỹ-Giám đốc Bền vững châu Á-Thái Bình Dương của JDE Peet’s-cho hay: JDE Peet’s là một trong những nhà rang xay lớn trên toàn cầu. Công ty thu mua một lượng cà phê lớn tại Việt Nam. JDE Peet’s cam kết đến năm 2025 sẽ mua 100% cà phê có trách nhiệm. Tại Việt Nam, Công ty cùng với các địa phương và các nhà cung ứng hỗ trợ rất nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững, hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường và góp phần giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường như EUDR mà hiện tại EU đang rất quan tâm. “Tại Gia Lai, chúng tôi đã hỗ trợ một số dự án và bắt đầu triển khai dự án hợp tác với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Chúng tôi mong muốn Công ty Vĩnh Hiệp cam kết đồng hành cùng với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là người nông dân để triển khai dự án một cách hiệu quả nhất và tiếp tục phát triển mở rộng các vùng liên kết sản xuất quy mô hơn trong giai đoạn tiếp theo”-ông Sỹ thông tin.
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 với giá trị đạt 490 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2023, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 211 ngàn tấn, tương ứng giá trị 447,6 triệu USD (tăng 5,5% về lượng, tăng 11,9% về giá trị), chiếm 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Thái Như Hiệp cho rằng chất lượng cà phê của Gia Lai được các nước trên thế giới đánh giá rất cao và sẽ là một trong những sản phẩm có tiềm năng để đi vào các thị trường khó tính nhất. Hiện nay, tỉnh đang tăng tốc để phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước để liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác giữ ổn định vùng nguyên liệu sạch, sản xuất có trách nhiệm và thực hiện đảm bảo các yêu cầu của nước nhập khẩu. “Để chủ động nguồn hàng có chất lượng phục vụ xuất khẩu bình quân khoảng 160 ngàn tấn/năm, Vĩnh Hiệp đã liên kết sản xuất trên diện tích 25 ngàn ha, mỗi năm sản lượng đạt khoảng 75 ngàn tấn. Khoảng 85 ngàn tấn còn lại, Công ty thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý. Hiện nay, Công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên thế giới, trong đó thị trường EU chiếm khoảng 60%”-ông Hiệp cho biết.
Theo đánh giá, trong 10 tháng năm 2023, tình hình kinh tế thế giới có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có những yếu tố thuận lợi như giá cà phê tăng hơn 10% so với tháng cùng kỳ năm trước (dao động trong khoảng 2.300-2.400 USD/tấn). Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu hàng hóa để tiếp cận thị trường thế giới. Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho rằng: Xuất khẩu cà phê tăng trưởng khá, song sản lượng chủ yếu vẫn là nhân xanh, tỷ lệ cà phê qua chế biến còn thấp. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích mà duy trì ổn định khoảng 100.000 ha cà phê.