My Sport: Ươm mầm tài năng cầu lông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 8 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Cầu lông My Sport đã góp phần không nhỏ trong việc ươm mầm tài năng trẻ cho thể thao Gia Lai. 
Từ mong muốn tạo sân chơi bổ ích
Một buổi tối giữa tháng 1-2021, chúng tôi có mặt tại Nhà đa năng Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku). Đây là nơi sinh hoạt của CLB Cầu lông My Sport do anh Nguyễn Văn Hùng cùng vợ là chị Nguyễn Thị Diễm My thành lập từ năm 2013. Tại đây, 25 học viên đang say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên. 
Tiếp chuyện chúng tôi, chị My chia sẻ: “Từ năm 2008, chồng tôi đã đi dạy đánh cầu lông ở TP. Pleiku. Anh ấy tốt nghiệp chuyên ngành Cầu lông ở Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh rồi về làm việc tại Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh nên có nhiều người theo học. Đến đầu năm 2013, với mong muốn giúp các em nhỏ tránh sa đà vào trò chơi điện tử cũng như các thói hư tật xấu bằng việc tập luyện thể thao, chúng tôi thành lập CLB này. Câu lạc bộ do tôi làm chủ nhiệm, anh Hùng là huấn luyện viên dạy chính. Khi mới thành lập, chúng tôi sinh hoạt ở Nhà Thi đấu thể thao tỉnh rồi chuyển sang Nhà Thi đấu 64 Hùng Vương và Trường THPT chuyên Hùng Vương, đến tháng 10-2020 thì chuyển về Trường THPT Lê Lợi”.
Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hùng hướng dẫn học viên cầm vợt đúng kỹ thuật. Ảnh: Thiên Di
Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hùng hướng dẫn học viên cầm vợt đúng kỹ thuật. Ảnh: Thiên Di
Anh Nguyễn Văn Hùng tiếp lời: “Học viên của CLB chủ yếu là các em học sinh có độ tuổi từ 6 đến 18. Hồi mới mở, CLB chỉ có 10 em theo học rồi tăng dần qua từng năm. Đông nhất là dịp hè, CLB có 40-50 em theo học. Thời điểm này, chúng tôi đang dạy cho 30 em từ 7 đến 17 tuổi. Mỗi tuần, các em có 3 buổi học kỹ năng đánh cầu lông. Còn vào thứ bảy và chủ nhật, các em tự chọn đối thủ thi đấu cọ xát. Học phí là 400 ngàn đồng/người/tháng”.
Sau 2 tiếng luyện tập, các học viên, phụ huynh cùng quây quần bên 2 chiếc bàn nhỏ có đặt một chiếc bánh kem để chúc mừng sinh nhật huấn luyện viên Nguyễn Văn Hùng. “Ngoài việc tổ chức sinh nhật cho học viên, huấn luyện viên thì trong năm, chúng tôi còn tổ chức giải đấu quy mô CLB để tạo không khí vui vẻ, khích lệ tinh thần học tập. Phụ huynh cũng rất ủng hộ các hoạt động như này nên thường hỗ trợ kinh phí và đến tham gia rất đông. Ngoài ra, hàng năm, chúng tôi còn chọn những em có trình độ tốt đi thi đấu giải của tỉnh, khu vực hoặc ở các địa phương. Mỗi chuyến đi như vậy ngoài mục đích thi đấu cọ xát còn là để các em tham quan du lịch”-anh Hùng cho hay.
Đến ươm mầm tài năng trẻ
Ưu tiên tập trung dạy cầu lông cho các em lứa tuổi học sinh, CLB My Sport không chỉ giúp hàng trăm lượt học viên nâng cao thể chất mà còn góp phần ươm mầm cho nhiều tài năng thể thao tỉnh nhà.
Anh Hùng cho biết: “Ở tỉnh ta có 3 CLB là My Sport, 07 Nguyễn Thái Học và Chuyên Hùng Vương thu hút đông các em học sinh theo học cầu lông. Trong đó, CLB My Sport có số lượng đông hơn cả. Do vậy, từ năm 2015 đến nay, khi thi đấu ở các nội dung nhóm tuổi từ 18 trở xuống tại nhiều giải đấu trong và ngoài tỉnh, học viên của CLB luôn đoạt được những giải cao. Một số em được giới chuyên môn đánh giá rất cao và có tiềm năng trở thành vận động viên chuyên nghiệp như: Nguyễn Đăng Sơn, Hà Tiểu My, Quãng Võ Thanh Hiếu, Trương Mỹ Duyên, Lâm Quốc Nguyên, Phạm Thu Uyên…”.
4. Nhà đa năng Trường THPT Lê Lợi có 3 sân tập
Nhà đa năng Trường THPT Lê Lợi là nơi các học viên của CLB Cầu lông My Sport tập luyện. Ảnh: Thiên Di
Gương mặt nổi trội nhất trưởng thành từ CLB My Sport là Nguyễn Đăng Sơn. Sau 10 năm tập luyện tại CLB, Sơn trở thành tay vợt trẻ đáng gờm ở Gia Lai. Nhiều năm nay, ở các nội dung dành cho nhóm tuổi từ 12 đến 18, Sơn luôn giành giải nhất hoặc nhì. Ngoài ra, Sơn cũng từng cùng bố đoạt huy chương đồng tại Giải Cầu lông, Bóng bàn gia đình toàn quốc năm 2020. Mới đây nhất, tại Giải Cầu lông các CLB tỉnh Gia Lai mở rộng năm 2021 tranh Cúp Hypebeast Store, Sơn đoạt 2 huy chương vàng nội dung đơn nam và đôi nam nhóm tuổi 15-18.
“Em theo học thầy Hùng từ khi còn rất nhỏ. Năm nay chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT nên em tập 3 buổi/tuần thôi chứ trước tập nhiều lắm. Em đang nỗ lực để thi đậu vào chuyên ngành cầu lông của Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, tiếp đó sẽ tăng cường tập luyện để trở thành vận động viên chuyên nghiệp”-Nguyễn Đăng Sơn chia sẻ. 
Một tài năng trẻ khác đầy hứa hẹn của CLB My Sport là Lâm Quốc Nguyên. Ông Lâm Quốc Việt-bố em Nguyên-bộc bạch: “Hai con trai tôi đều học cầu lông ở đây từ lúc còn rất nhỏ. Thầy Hùng có chuyên môn cao, dạy rất có tâm nên các cháu tôi tiếp thu tốt, ngày càng tiến bộ. Hiện nay, có nhiều huấn luyện viên ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng ngỏ lời cho Nguyên ra đó để đào tạo thành vận động viên chuyên nghiệp vì rất có tố chất nhưng gia đình chưa có quyết định cuối cùng”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.