Mùa vàng trên những cánh đồng phía Đông sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày này, người dân 4 xã phía Đông sông Ba của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân. Từ dự án hỗ trợ giống lúa mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bà con nông dân có một vụ thu hoạch thắng lợi khi vừa được mùa, vừa được giá.

Trúng mùa, được giá

Trên khắp cánh đồng Ia Tul, tiếng máy liên hợp nối nhau nổ giòn. Bà con nông dân ai nấy phấn khởi vì vụ mùa thắng lợi khi thực hiện dự án hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lúa tại 4 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul và Ia Broăi. Ông R’Ô Phân (buôn Biah A, xã Ia Tul) thoăn thoắt chuyển những bao thóc lên bờ. Thấy chúng tôi, ông vui vẻ cho biết: “Vụ này, gia đình tôi tham gia dự án với 2,5 sào trồng giống lúa TBR-1. Tất cả đã thu hoạch xong. Nhờ sử dụng giống mới, lại được cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên năng suất lúa đạt cao, khoảng 1 tấn/sào. Thương lái mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 6.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 10 triệu đồng”.

Niềm vui trúng mùa, được giá cũng đến với gia đình ông Nay Sôn-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ia Broăi. Theo ông Sôn, năm nay, thời tiết lạnh kéo dài ở đầu vụ khiến nhiều diện tích lúa bị bệnh vàng lá, bọ trĩ. Tuy nhiên, nhờ khả năng chống chịu tốt, hơn 5 ha lúa giống TBR-1 của 8 thành viên HTX chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Ông Sôn hồ hởi cho hay: Chưa vụ nào trúng như vụ này. Năng suất lúa đạt gần 10 tấn/ha, thương lái thu mua tại ruộng giá cao hơn năm trước 1.500 đồng/kg. Tuy chi phí sản xuất cao do đầu vụ, giá phân bón chưa hạ nhiệt nhưng nhờ lúa bán được giá nên lợi nhuận tương đối khá. Có 3 sào tham gia dự án, ông lãi hơn 11 triệu đồng. “Nhà nông chúng tôi chỉ mong sao giá lúa ổn định và giá vật tư nông nghiệp không tăng. Có như vậy, đời sống của bà con mới khá lên được”-ông Sôn kỳ vọng.

Các hộ dân tham gia hội thảo đầu bờ Dự án hỗ trợ giống lúa mới TBR-1 tại cánh đồng xã Chư Mố. Ảnh: Vũ Chi

Các hộ dân tham gia hội thảo đầu bờ Dự án hỗ trợ giống lúa mới TBR-1 tại cánh đồng xã Chư Mố. Ảnh: Vũ Chi

Hiện các thương lái đẩy mạnh thu mua lúa tươi trong dân để cung ứng cho các doanh nghiệp. Thương lái Lê Thị Định (thị xã Ayun Pa) cho hay: Hơn 1 tuần trở lại đây, bà con bắt đầu thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Chúng tôi đẩy mạnh thu mua, đặc biệt là lúa tươi, giúp bà con giảm công phơi sấy. Hiện giá lúa tươi đang ở mức 6.000-6.300 đồng/kg, lúa khô 7.500 đồng/kg. Tuy giá lúa có giảm so với đầu vụ nhưng vẫn khá cao, đảm bảo người dân có lãi hơn các vụ trước.

“Năm ngoái, thị trường xuất khẩu gạo bị chững lại khiến thương lái chỉ dám mua lúa cầm chừng. Nhưng năm nay, thị trường sôi động trở lại nên chúng tôi cũng rất phấn khởi, một phần lúa thu mua được vận chuyển cho các doanh nghiệp tại Bình Định, một phần nhà máy tích trữ chờ giá lên để xát gạo phục vụ nhu cầu người dân. Dự kiến vụ này, tôi thu mua 200-300 tấn lúa”-bà Định thông tin.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, giá lúa tăng không chỉ do thị trường xuất khẩu khởi sắc mà nông dân ngày càng chú trọng đến việc gieo trồng các giống lúa mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng hạt gạo. Vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện gieo sạ khoảng 3.000 ha lúa.

Từ nguồn vốn ngân sách, Phòng Nông nghiệp và PTNT liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai Dự án hỗ trợ giống lúa mới TBR-1 tại 4 xã trên diện tích 450 ha với 1.116 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 10 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng, người dân đóng góp 9 tỷ đồng.

Tham gia dự án, các hộ dân xã Ia Kdăm và Ia Broăi được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống lúa; xã Chư Mố, Ia Tul được hỗ trợ 70%. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt cao, trung bình 8-9 tấn/ha. Với giá lúa hiện tại hơn 6 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng lúa lãi trên 20 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa truyền thống 8-9 triệu đồng/ha.

“Cuộc cách mạng” trên cánh đồng

Từ một vùng đất khó, tập quán canh tác lạc hậu, giờ đây, việc sản xuất lúa ở 4 xã phía Đông sông Ba của huyện Ia Pa đã có bước phát triển khá, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Đạt được kết quả đó là nhờ quá trình thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài việc hạn chế được hiện tượng thoái hóa giống do sử dụng giống cũ gây ra, việc sử dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế được sâu bệnh gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là những yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho người nông dân. Dự án hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lúa được triển khai tại đây là rất cần thiết nhằm tạo ra “cuộc cách mạng” trên cánh đồng.

Ông Ksor Nai (buôn Plơi Apa Ama H’Lăk, xã Chư Mố) cho biết: Khi tham gia dự án, bà con được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ cách thức gieo sạ đến chăm sóc sao cho cây lúa phát triển tốt nhất. Thay vì thói quen sạ 20-25 kg lúa/sào như trước đây, bà con chỉ sạ 12-15 kg/sào.

Nhờ bón đủ phân, chủ động nước tưới nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh hại, từ đó bà con tiết kiệm chi phí đầu tư, trong khi năng suất, chất lượng lúa đều tăng. Lúa chín, có máy gặt đập liên hợp thu hoạch, thương lái mua lúa tươi tại ruộng, không phải vất vả phơi khô như trước.

Người dân huyện Ia Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Đức Thụy

Người dân huyện Ia Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Đức Thụy

Phấn khởi trước sự thay đổi về nhận thức của người dân trong sản xuất lúa gạo, ông Nay Phôn-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Toàn xã có khoảng 300 ha đất trồng lúa. Vụ Đông Xuân 2022-2023, xã có 285 hộ tham gia dự án do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai trên diện tích 125 ha.

Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích canh tác, lúa tham gia dự án cho năng suất cao hơn 1,2 tấn/ha so với lúa truyền thống, lợi nhuận cao hơn khoảng 9 triệu đồng/ha. Cái được lớn nhất khi tham gia dự án là bà con đã thay đổi thói quen canh tác lúa nước. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất ICM và IPM, bà con tiết kiệm được lượng giống gieo sạ, phân bón, hạn chế thuốc trừ sâu mà năng suất, chất lượng lúa đều tăng lên. Thu nhập của người nông dân nhờ vậy được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Hơn 5 năm gắn bó với người nông dân huyện Ia Pa, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã liên kết cung ứng giống lúa mới chất lượng cao đưa vào sản xuất. Công ty thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con.

Theo ông Triệu Tấn Phú-Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thay đổi tập quán sản xuất cũ không phải là chuyện một sớm một chiều. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cùng cán bộ khuyến nông thường xuyên bám đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách gieo sạ, bón phân, phun thuốc hợp lý, tránh lãng phí; đồng thời, chọn một vài hộ làm điểm để bà con so sánh hiệu quả, từ đó nhân rộng mô hình.

Sau hiệu quả từ giống lúa TBR-1, vụ tới, Công ty tiếp tục đồng hành cùng bà con triển khai giống lúa TBR97. Sản phẩm gạo TBR97 của huyện đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc mở rộng sản xuất giống lúa này hy vọng góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho người nông dân.

Việc nhân rộng diện tích gieo trồng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao đã góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, đăng ký tham gia mô hình, hình thành cánh đồng lúa lớn một giống, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo tại địa phương, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tới liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Huyện cũng hy vọng Dự án hồ thủy lợi Ia Thul sớm triển khai sẽ tháo gỡ cơ bản khó khăn về nước tưới trên các cánh đồng, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.