Một thời "xẻ dọc Trường Sơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ai cũng biết đường mòn Hồ Chí Minh thời đánh Mỹ là con đường huyền thoại. Tuy nhiên, để biết tường tận về thời điểm “vạn sự khởi đầu nan” của nó thì có lẽ ít người được rõ.
1. Những người quan tâm có thể tìm đọc hồi ký “Trọn một con đường” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên-nguyên Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Tuy nhiên, sách cũng chỉ tập trung giai đoạn ông nhậm chức Tư lệnh từ năm 1967 đến 1975, tức sau 8 năm cung đường đã trải qua bao ngổn ngang của thuở ban đầu, “từ không đến có”.
Muốn rõ hơn về cái thuở ấy thì có lẽ nên tìm đọc tập hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” của Thiếu tướng Võ Bẩm, người “lãnh ấn tiên phong” làm Đoàn trưởng dẫn trên 400 người đi khảo sát và tổ chức xoi mở cung đường vượt Trường Sơn với muôn vàn nhiêu khê, thử thách. Ông viết trong hồi ký: “Ngày 19-5-1959, tôi, anh Thạnh, anh Chương có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương-N.V). Anh Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Về ngày 19-5-1959 lịch sử này, Thiếu tướng Võ Bẩm viết: “Một sự trùng lặp đầy ý nghĩa, ngày này cũng là kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 69 của Bác. Với tất cả lòng kính yêu Người, chúng tôi đề nghị lấy ngày 19-5-1959 làm ngày truyền thống của đoàn và đoàn “công tác quân sự đặc biệt” được lấy tên là Đoàn 559 (ghép tháng 5 và năm 1959-N.V). Và rồi, như một sự thống nhất biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là đường Hồ Chí Minh”.
Đường mòn Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).
Đường mòn Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).
Đường Trường Sơn, đường 559 hay đường mòn Hồ Chí Minh ấy được nhà thơ Tố Hữu mô tả một cách rất hình tượng và hào tráng: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”! Chắc hẳn mọi người đều háo hức muốn biết con đường cứu nước ấy đã được bắt đầu “xẻ” tại đâu trên mênh mang đại ngàn Trường Sơn? Hồi ký của người “khai sơn phá thạch” con đường viết rõ: 
“...Chúng tôi chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn rào Thanh, Tây Nam Vĩnh Linh, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, chúng tôi phát triển theo hướng Tây Nam, qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, đỉnh 1600, vượt sông Bến Hải…”. Từ đó, cả một hệ thống “đường mòn lối mở” luồn lỏi giăng mắc chằng chịt khắp dải Trường Sơn, vươn sâu vào Nam, vượt xa sang Tây trên đất bạn Lào, rồi lại “lật cánh” trở lại sang Đông Trường Sơn, vào đến Đông Nam Bộ, mở ra một “trận đồ bát quái”, địa võng thiên la, làm hao tổn nhiều binh lực địch.
Khó tìm được một thống kê đầy đủ và chuẩn xác các số liệu về hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Theo nhiều kênh tư liệu thì toàn tuyến hệ thống đường mòn này sau 16 năm thực hiện đã có đến hơn 200 cung đường ngang dọc, ngắn dài, to nhỏ nối kết liên hoàn như mạch máu, từ Bắc Trung Bộ đến địa đầu Đông Nam Bộ, vắt qua hai bên sườn Đông và Tây Trường Sơn, với tổng chiều dài trên dưới hai vạn cây số. Trên cung đường ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã hào hứng cảm khái: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”…
Thế nhưng, do thói quen “nói tắt” cho nhanh gọn nên khi nói về hệ thống cung đường này người ta thường lược bớt đi từ “hệ thống”, chỉ còn gọn là “đường mòn Hồ Chí Minh”. Cách nói ấy dễ gây nhầm lẫn là chỉ có 1 con đường! Sự nhầm lẫn ấy còn đến hôm nay, khi có nhiều người đi trên quốc lộ Bắc-Nam mang tên “đường Hồ Chí Minh” (không có từ “mòn”), mà vẫn bảo là đang đi trên… “đường mòn Hồ Chí Minh”! Có vết “mòn” nào trên đường Hồ Chí Minh “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” ngày nay đâu?!
Trở lại chuyện về người lãnh ấn tiên phong khai sơn phá thạch làm nên cung đường kháng chiến. Mãi sau 3 năm lăn lộn với Trường Sơn để chỉ đạo, tổ chức công cuộc xoi mở đường, đến năm 1962, trong chuyến trở ra Hà Nội, ông Võ Bẩm mới được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết trong hồi ký: “Vào một trưa tháng 5 (…) tôi nghe chuông điện thoại đổ dồn. Đồng chí trực ban ở cơ quan Bộ Quốc phòng báo tôi vào ngay cơ quan Quân ủy Trung ương có việc cần. Bước vào phòng làm việc của Quân ủy, tôi sững sờ khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện vui vẻ với anh Văn Tiến Dũng lúc đó là Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng (…). Bác đứng dậy, lại gần tôi và tươi cười nói: “Chú Bẩm đã vào đấy à? Nghe nói chú vào Nam ra Bắc như con thoi”! (…). Sau đó, Bác hỏi về công việc của Đoàn 559 đã làm được đến đâu? Anh em cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt ra sao? Đồng bào các dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn áo mặc không? Quan hệ anh em giữa ta với bạn Lào như thế nào? (…) Bác luôn nhắc: “Các chú phải tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn (…). Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị…”.
2. Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh, phần hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chạy ở phía Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào gần như đã thành phế tích hoang vu, nhưng phần phía Đông Trường Sơn của đường 559 hiện vẫn còn lưu nhiều dấu tích. Trong đó, một số đoạn ở phía Bắc Trung Bộ đã nhập vào đường Hồ Chí Minh hiện đại; phần phía Nam, từ khu vực ngã ba Đông Dương trở vào, chính là quốc lộ 14C chạy suốt mạn Tây Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước. Cột Km 0 của quốc lộ này được cắm tại điểm tiếp giáp vào đường Hồ Chí Minh hiện đại (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), nơi ngày trước hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh cánh Tây Trường Sơn “lật cánh” trở lại về Đông Trường Sơn để chạy tiếp đến Lộc Ninh, địa đầu chiến trường Nam Bộ. Thế cho nên ngày nay khu vực Tây Nguyên có được may mắn “sở hữu” một phần “Di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh” mà vào năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày xoi mở cung đường này, Nhà nước đã cho gắn bia di tích tại những điểm có cung đường cũ ngang qua.
Bây giờ, nhắc đến đường Trường Sơn hay đường 559, đường mòn Hồ Chí Minh, mọi người thường liên tưởng đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhiều hơn chứ ít “để ý” đến người khai mở đầu tiên! Tuy nhiên, đối với vị tiền nhiệm của mình, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã viết những dòng tôn phục và xúc động: “8 năm đã qua, kể từ khi anh Võ Bẩm (…) dẫn đầu một nhóm người lặng lẽ, mò mẫm giữa đại ngàn Trường Sơn, tìm đường về Nam. 8 năm, từ hơn 400 người với áo bà ba, đầu trần, chân đất, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, gùi cõng từng khẩu súng, viên đạn vượt Trường Sơn, Đoàn 559 phát triển lên gần 300 ngàn người (…). Cũng 8 năm đó, từ những lối mòn giao liên, Đoàn 559 đã tổ chức được tuyến giao liên từ Đông Trường Sơn chuyển sang Tây Trường Sơn, từ đường mòn gùi cõng tiến lên thồ và vận chuyển cơ giới…”.
Ông Võ Bẩm sinh năm 1915, quê xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia hoạt động chống Pháp từ năm 15 tuổi, bị bắt, bị khép án khổ sai đày đi các nhà tù Lao Bảo, Buôn Ma Thuột… Ra tù, ông tham gia khởi nghĩa Ba Tơ… Năm 1945, Võ Bẩm vào quân đội. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1959 làm Đoàn trưởng đoàn “công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn. Năm 1970, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra quân đội. 4 năm sau, ông được phong hàm Thiếu tướng. Năm 1980, ông nghỉ hưu và mất năm 2008. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2017. Đáng chú ý, ông cũng chính là người đầu tiên được giao nhiệm vụ nghiên cứu mở “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” từ cửa sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) lúc ban đầu!
Như vậy, nếu nói 2 hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển là huyền thoại thì Thiếu tướng Võ Bẩm chính là một trong những người tiên phong khơi nên huyền thoại ấy!   
TẠ VĂN SỸ 

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

(GLO)- Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), sáng 20-11, đồng chí Lương Văn Danh- Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai đã đến thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.