Môn thi Địa lý: Đề bám sát chương trình học và mang tính thời sự với vấn đề xâm nhập mặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng nay (3-7), các thí sinh tiếp tục kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với môn Địa lý, thời gian làm bài 180 phút. Nhìn chung, tâm lý của các thí sinh ở đầu buổi thi khá thoải mái, đã bớt lo lắng bởi đây là môn thi được sử dụng Atlat. Nhiều thí sinh sau khi hoàn thành môn Địa lý cũng đã hoàn thành xong kỳ “vượt vũ môn” của mình.

Trở ra từ phòng thi sáng nay, nhiều thí sinh đánh giá đề Địa lý khá vừa sức, không đánh đố. Đặc biệt, câu hỏi số IV.2 của đề thi năm nay gây ấn tượng với các thí sinh vì đã đưa vấn đề xâm nhập mặn của Đồng bằng Sông Cửu Long vào đề thi. Câu hỏi được đánh giá khá hay vì mang tính thời sự, đồng thời mang tính gợi mở cho các thí sinh vận dụng kiến thức đã được học để giải thích một hiện tượng thực tế.

 

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã An Khê) hoàn thành bài thi Địa lý sớm và đứng chờ hết giờ mở cổng ra về. Ảnh: Lê Hòa
 

Bạn Phạm Thị Mây-Cựu học sinh Chuyên Toán, Đạt giải Ba môn Địa lý-Kỳ thi Học sinh Giỏi cấp Quốc gia năm học 2014-2015, Trường THPT Chuyên Hùng Vương Gia Lai chia sẻ: “Đề Địa lý năm nay theo mình không quá khó, có nhiều câu hỏi các bạn có thể vận dụng kiến thức nền của mình để trả lời. Đề năm nay cũng khá hấp dẫn bởi vấn đề thời sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Với vấn đề này, nếu bạn nào chịu khó theo dõi báo đài sẽ dễ dàng lấy điểm tối đa”.

Ở câu III, đề cũng không đánh đố các thí sinh khi nêu rõ yêu cầu vẽ biểu đồ tròn thay vì để các thí sinh tự xác định loại biểu đồ hợp lý như mọi năm. Vì thế, đề Địa năm nay khá dễ dàng để các “sĩ tử” lấy điểm trung bình và cao hơn nữa. Phần lý thuyết của đề thi môn Địa chiếm khoảng 40% cũng là một yếu tố giúp các thí sinh thể hiện được kiến thức thực tế của mình trả lời.

Em Nguyễn Nhân Tú (đang đi lính tại Trại giam Gia Trung, huyện Mang Yang)-là thí sinh dự thi năm 2 tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương chia sẻ: So với đề thi năm trước, đề thi năm nay khá hay và bám sát chương trình. Trong đó, câu 4 liên quan đến vấn đề thời sự, em đã ôn tập rất kĩ về vấn đề này. Em đoán mình đạt khoảng 6 đến 7 điểm.

Cô Hầu Thị Sáu- phụ huynh thí sinh Nguyễn Thị Thùy Linh (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) dự thi tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng vui vẻ cho biết: Địa lý là môn cháu Linh học khá tốt, vì thế tôi không quá lo lắng. Hy vọng, cháu sẽ hoàn thành tốt môn thi này để bù điểm cho môn Văn hôm qua do cháu làm không được tốt.

 

Theo ghi nhận của nhóm PV, môn Địa được các thí sinh, đặc biệt là cụm thi địa phương đánh giá khá “dễ thở”, hầu như các bạn đều làm được từ 60-80% khối lượng đề thi và ra khỏi phòng với tâm trạng rất vui và phấn khởi. Tại điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên và điểm thi Trường THCS Trưng Vương công tác an ninh luôn được chú trọng đảm bảo. Thí sinh Lê Thị Thu Thảo (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chư Sê) phấn khởi: “Em làm bài thi khá tốt vì đề thi có tính thời sự và bám sát chương trình sách giáo khoa. Em đoán làm được 8-9 điểm. Riêng câu 4 em làm không chắc chắn do đề thi yêu cầu phải suy luận, phân tích”.
 

Tin từ Hội đồng thi trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết: môn thi Địa lý có 2.823/2.901 dự thi, vắng 78 thí sinh, đạt 97,31%.

Cựu học sinh Trường THPT Pleiku Dương Văn Hùng- đang học năm 1 tại Đại học Kiểm sát Hà Nội, từng đạt 9,75 điểm môn Địa lý trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 cho rằng: Đề thi năm nay có nội dung đề thi đều nằm trong sách giáo khoa nhưng nếu muốn đạt điểm cao, các thí sinh phải vận dụng nhiều kiến thức thì mới diễn đạt được hết ý của câu hỏi. Đặc biệt, câu 4 là một câu hỏi hay, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều, đây là câu hỏi để phân loại thí sinh.

Tương tự, tại Cụm thi địa phương huyện Phú Thiện, đa phần các thí sinh đều đánh giá môn Địa lý là môn thi dễ thở nhất từ đầu kỳ thi tới giờ. Bởi vậy, nhiều thí sinh đã hoàn thành sớm phần thi của mình chỉ với 2/3 thời gian làm bài. Bên cạnh đó cũng có những thí sinh chau chuốt bài làm, tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Em Siu H’Bông (học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn) cho biết: “Đề không quá khó, thậm chí dễ hơn so với năm trước nhiều nhưng em cũng phải gần hết giờ mới làm xong được vì triển khai nhiều ý. Các câu hỏi không có sự phân hóa cao giữa các học sinh khá giỏi và học sinh trung bình như các năm trước vì tất cả đều nằm trong chương trình sách giáo khoa. Đề này em tự tin được khoảng trên 7 điểm, hy vọng nó sẽ kéo được điểm các môn khác lên để em có thể tốt nghiệp”.

Tại thị xã Ayun Pa, điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông có 99 thí sinh dự thi (vắng 3 thí sinh, không có lý do); còn điểm thi THPT Lý Thường Kiệt có 193 thí sinh dự thi (vắng 5 thí sinh, không có lý do). Cùng tâm trạng vui khi hoàn thành sớm bài thi, thí sinh Ksor H’Vinh, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt tự tin nói: “Đề thi nằm trong chương trình địa lý của sách giáo khoa được học nên em đã hoàn thành bài thi sớm hơn thời gian gần 20 phút. Em tin là mình sẽ được điểm cao ở môn Địa lý”. Theo các giám thị ở các điểm thi này cho hay, nhiều thí sinh đã hoàn tất bài thi sớm hơn thời gian quy định 10 đến 20 phút và không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

Kết thúc môn Địa lý sáng nay, thí sinh Chí Thảo-điểm thi Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) cũng đã hoàn tất 4 môn của kỳ thi Quốc gia (thí sinh đăng ký dự thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý và Địa lý). “Em khá hài lòng với phần làm bài của 4 môn thi, đặc biệt là môn Ngữ văn. Bây giờ em đã có thể thoải mái nghỉ ngơi và chờ kết quả”-Chí Thảo nói. Hoàn tất bài làm ở mức 60% yêu cầu đề thi đưa ra, thí sinh Đinh Vi Hồng (thí sinh tự do, trú tại thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) cảm thấy khá hài lòng về phần bài làm của mình. “Môn Địa lý có phần sử dụng Atlat nên em không áp lực lắm. Tuy nhiên, em gặp khó ở câu IV.2 do vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long em không nắm được thông tin. Nhìn lại 3 môn thi em đã trải qua, em khá tự tin. Trước mắt, em sẽ cố gắng ở môn thi cuối cùng là Lịch sử sẽ diễn ra vào sáng mai”-thí sinh Đinh Vi Hồng cho biết.

Nhóm P.V Văn hóa-Xã hội

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.