Mô hình dâu tây treo tường độc đáo đầu tiên ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một kỹ sư máy tính nhưng lại mê làm nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Văn Quý-chủ Kites Farm (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã tự nghĩ ra mô hình trồng dâu treo tường độc đáo và đem lại hiệu quả bất ngờ.

Cách trung tâm TP. Pleiku khoảng hơn 8 km, Kites Farm nằm khiêm tốn trên tỉnh lộ 664 tại xã Ia Dêr. Ấn tượng đầu tiên ngay khi bước vào cổng chính là những bầu trồng dâu tây xếp ngay hàng thẳng lối “bám” kín lên bức tường rào kiên cố của Kites Farm trông vô cùng thú vị và lạ mắt. Đây là mô hình trồng dâu tây trên tường đầu tiên ở Gia Lai.

mo-hinh-dau-treo-tuong-doc-dao-dau-tien-o-gia-lai-cua-anh-nguyen-van-quy-anh-ha-duy.jpg
Mô hình trồng dâu tây treo tường độc đáo và đem lại hiệu quả bất ngờ của anh Nguyễn Văn Quý. Ảnh: Hà Duy

Anh Quý vốn là một kỹ sư máy tính. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2004, anh về lại Pleiku và mở tiệm Bách Khoa (115 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Hẳn không ai không biết, bởi đây là một trong những tiệm sửa chữa, xử lý sự cố máy tính khá uy tín tại Pleiku. Sau nhiều năm miệt mài với công việc “khô như ngói”, anh muốn có một không gian rộng rãi với nhiều cây cối để lấy lại cảm hứng làm việc sau những thời điểm low mood (mất cảm xúc, mất cảm hứng, buồn bực).

“Tôi tìm mãi thì thấy trang trại rộng chừng hơn 2 ha tại xã Ia Dêr phù hợp với điều kiện đi lại. Khi mua trang trại đã có sẵn cà phê và sầu riêng. Tuy nhiên, từ cổng vào đến vườn cà phê là quãng đường khá dài và chỉ toàn cỏ dại mọc dày. Tôi nghĩ để đất trống vậy rất phí nên sau khi tham khảo khá nhiều ý kiến và tìm hiểu nhiều mô hình khác nhau, tôi đã chọn trồng dâu tây. Ban đầu, tôi cũng chỉ trồng luống dưới đất như mọi nơi vẫn trồng, nhưng một hôm, tôi nhìn bức tường rào kiên cố thấy đơn điệu nên tôi chợt nghĩ: “Tại sao mình không trồng dâu trên tường, vừa tận dụng không gian, vừa tạo cảnh quan khác biệt?” Nghĩ xong là bắt tay nghiên cứu để làm”-anh Quý kể lại.

mo-hinh-dau-treo-tuong-doc-dao-dau-tien-o-gia-lai-cua-anh-nguyen-van-quy-anh-hd.jpg
Những bầu giá thể trồng dâu được may từ bạt và bắn đinh cố định lên tường. Ảnh: Hà Duy

Sau nhiều ngày mày mò, nghiên cứu, anh Quý đã nghĩ ra cách làm những bầu trồng bằng bạt gắn vào những tấm bạt lớn được cố định lên tường. Việc cố định những giá thể này lên tường cũng là một vấn đề, vì tấm bạt khá lớn. Sau khi làm xong giá thể trồng dâu, anh lại lắp đặt hệ thống phun tưới tự động sao cho đảm bảo tưới nhỏ giọt và đường ống phục vụ từng gốc cây. Khi mô hình “nên hình thành dạng”, cũng là lúc không gian thông thoáng, từ đó có thể trồng cây với mật độ dày hơn dưới đất; dễ trồng, dễ thu hoạch, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh; tận dụng được bức tường trống, tạo mảng xanh.

Anh Quý chọn giống dâu Hana của Nhật Bản để trồng vì giống dâu này có vị ngọt tự nhiên, hương thơm nồng đặc trưng. Quả dâu Hana thường to hơn các loại dâu tây khác, có hạt nhỏ và mềm hơn, ăn rất ngon, trẻ con rất thích. "Ban đầu của tôi chỉ là trồng cho vui, nhưng hồi tháng 5-2024, bạn bè tôi dẫn một doanh nhân nông nghiệp công nghệ cao từ Lào sang Pleiku và có đến tham quan mô hình trồng dâu của tôi. Người này thích thú với mô hình cũng như chất lượng giống dâu tây tại farm nên đã đặt 6.500 cây giống. Có lẽ, tôi là người đầu tiên ở Gia Lai xuất khẩu cây giống dâu tây ra nước ngoài. Hiện tại, có rất nhiều nơi đặt hàng giống dâu tây của tôi, từ Kon Tum đến Lào Cai, Sơn La..., ngay cả các khách hàng ở Đà Lạt, nơi ban đầu tôi lấy giống, cũng đã đặt hàng”-anh Quý hồ hởi cho hay.

img-8934.jpg

Được biết, mức chi phí đầu tư ban trồng dâu Hana không cao, khoảng 30-40 triệu đồng/sào cả giống, bạt, hệ thống nước tưới… Trong khi đó, trung bình mỗi cây dâu sẽ cho tầm 0,5-1kg quả/vụ (giá dâu Hana thường có giá đắt hơn các giống khác vì độ tỉ mỉ trong khâu chăm sóc cũng như thời gian thu hoạch ngắn). Và tùy vào size của quả mà có giá khác nhau, trong đó, size lớn có giá dao động 350-400.000 đồng/kg, size vừa có giá 220-250.000 đồng/kg, size nhỏ hơn dùng để làm sinh tố thì giá không cố định. Còn cây giống thì có giá 5.000 đồng/cây con. Với mức giá ổn định này, anh Quý có thể thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ 1,6 sào dâu Hana.

nhung-qua-dau-tay-hana-do-mong-tai-kites-farm-anh-hd.jpg
Dâu Hana có vị ngọt, giá dao động từ 220.000-400.000 đồng/kg. Ảnh: H.D

Khá ấn tượng với mô hình trồng dâu mới của anh Quý, anh Đặng Gia Bảo (256 Tăng Bạt Hổ, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) nhận xét: “Nếu về mỹ quan thì mô hình đã làm bức tường rào đơn điệu, khô cứng trở nên mềm mại, có điểm nhấn. Xét về hiệu quả kinh tế, cách trồng dâu này quá nhiều ưu điểm, dễ chăm, hiệu quả lại cao. Tường thì nhà ai cũng có, nên ai cũng có thể tạo một “mảng xanh” như thế này cho gia đình”.

vuon-dau-tay-hana-tai-kites-farm-dang-duoc-anh-quy-tap-trung-cham-soc-cho-ra-qua-de-don-khach-tham-quan-anh-ha-duy.jpg
Anh Quý tạm ngừng bán cây giống để tập trung chăm sóc để vườn dâu ra quả để đón khách đến tham quan. Ảnh: Hà Duy

Được biết, hiện tại, ngoài công việc chính ở tiệm Bách Khoa, anh Quý còn mở trung tâm Sun Art (08 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chuyên dạy vẽ cho thiếu nhi với 5 giáo viên chuyên đứng lớp (mở từ năm 2023). Còn đối với nông nghiệp, anh Quý cho biết, ngoài việc tiếp tục chăm sóc vườn cà phê, sầu riêng sẵn có, chăm sóc 1.000 cây cau vừa trồng, anh sẽ có thêm một số dự án liên quan đến nông nghiệp vừa để phục vụ cho niềm yêu thích nông nghiệp sạch của mình, vừa tạo việc làm cho người cho người khác (hiện Kites Farm của anh đang tạo việc làm ổn định cho 6 lao động), nhưng trước mắt, anh sẽ tập trung vào vườn dâu tây Hana 1,6 sào của mình, đồng thời sẽ “lấp đầy” những mảng tường còn lại cũng bằng dâu Hana.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.