Thanh niên trồng dâu, nuôi thỏ làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dám nghĩ dám làm và biết nắm bắt thời cơ, nhiều thanh niên ở huyện Ia Grai đã vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Trồng dâu cho thu nhập 40 triệu đồng/tháng
Anh Võ Hoàn Hảo (thôn Hưng Bình-Tân Hợp, xã Ia Yok) cho biết: “Bố mẹ tôi đều làm nông, tôi lại yêu thích nghề nông từ nhỏ nên chọn học ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Tây Nguyên). Ra trường rồi vào làm việc tại Công ty Cà phê 706 (xã Ia Yok) cũng giúp tôi phát huy được những kiến thức đã học. Thế nhưng, mong muốn có một vườn cây ăn quả do chính mình làm chủ đã thôi thúc tôi mạnh dạn đầu tư trồng cây dâu tây. Do không có thời gian học hỏi từ các trang trại lớn, tôi tìm hiểu kỹ thuật trồng dâu tây trên mạng internet. Tôi xác định, chọn cây trồng không phải thế mạnh của địa phương đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nhiều khó khăn”.
Với số tiền dành dụm của bản thân cộng thêm sự hỗ trợ của bố mẹ và vay mượn thêm bạn bè được hơn 200 triệu đồng, tháng 8-2018, anh Hảo đã phá bỏ vườn cà phê già cỗi rồi đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng rộng khoảng 50 m2, mua các giống dâu tây New Zealand, Hana, Nhật Bản, Mỹ… về trồng thử nghiệm để lựa chọn loại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, một nửa cây giống trồng trong nhà màng và một nửa trồng ngoài trời. Trong quá trình thử nghiệm, một số giống bị sâu bệnh, ảnh hưởng thời tiết nên chết nhiều. Nhưng điều đó không làm anh Hảo nản chí.
Anh Võ Hoàn Hảo chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây với thanh niên xã Ia Yok. Ảnh: T.B
Anh Võ Hoàn Hảo chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây với thanh niên xã Ia Yok. Ảnh: T.B
Sau khi thử nghiệm, anh Hảo chọn giống dâu Nhật lùn và giống dâu New Zealand để trồng trong nhà màng, còn trồng giống dâu Hana trồng ngoài trời. Đến nay, anh Hảo đã là chủ vườn dâu tây 1.500 m2 trồng trong nhà màng và hơn 2 sào trồng ngoài trời. Nhờ nắm vững kỹ thuật mà vườn dâu tây của anh luôn xanh tốt và cho quả thơm ngọt. Mỗi ngày, vườn dâu tây cho sản lượng 15-25 kg, cung cấp cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP. Pleiku và bán cho người dân quanh vùng. Thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, với giá bán dao động 180.000-200.000 đồng/kg, anh Hảo thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí. “Sắp tới, tôi sẽ phá bỏ thêm một phần diện tích cà phê già cỗi của gia đình để mở rộng trồng dâu tây”-anh Hảo chia sẻ.
Làm giàu từ nuôi dê, thỏ
Trang trại của anh Trần Văn Thế (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă) áp dụng mô hình tổng hợp với đa dạng cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, dê lai và thỏ là vật nuôi đang đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình anh với khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Với 4 con dê sinh sản nuôi từ đầu năm 2017, đến nay, đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 50 con. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, anh Thế cho biết: Một con dê con nếu được chăm sóc tốt, sau 9 tháng là bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Với dê thương phẩm, nuôi khoảng 7-8 tháng có thể đạt 20-30 kg và xuất bán với giá 120.000-140.000 đồng/kg. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá ổn định, các nhà hàng, quán ăn tìm đến tận nhà hỏi mua với giá khá cao.
Anh Trần Văn Thế (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ cho cán bộ Đoàn xã Ia Bă. Ảnh: T.B
Anh Trần Văn Thế (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ cho cán bộ Đoàn xã Ia Bă. Ảnh: T.B
Ngoài nuôi dê, cuối năm 2019, anh Thế đầu tư nuôi thỏ New Zealand để tăng thêm thu nhập. Theo kinh nghiệm của anh Thế, thỏ là loài vật nhạy cảm với thời tiết nên phải tiêm phòng định kỳ, thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời thỏ bị bệnh, tránh lây lan. Chuồng trại cũng phải thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa lạnh để tăng sức đề kháng cho thỏ. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm thỏ đẻ 7 lứa, mỗi lứa khoảng 6-8 con. Với thỏ thương phẩm, nuôi 3 tháng đã có thể xuất chuồng, trọng lượng trung bình khoảng 5 kg/con, giá bán 70.000-80.000 đồng/kg. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, hiện anh Thế đang sở hữu đàn thỏ 100 con.
Anh Nông Hồng Phong-Phó Bí thư Huyện Đoàn Ia Grai-nhận xét: Anh Võ Hoàn Hảo và anh Trần Văn Thế là những điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là minh chứng cho việc nếu chọn được hướng đi đúng đắn, biết phát huy lợi thế thì thanh niên đều có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.