Miền hoa trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi nhà thơ Vân Long lần đầu tiên lên Pleiku, tôi và thi sĩ Vân Đình Hùng mời ông đi uống cà phê rồi... tiện thể tạt vào một vườn cà phê. Chả cứ ông mà ngay cả tôi cũng cứ ngẩn ra trước một vườn cà phê trắng ngát, ngào ngạt, tinh khiết.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Như rất nhiều thi nhân xứ Bắc khác, nhà thơ Vân Long không uống đều cà phê, mà uống trà. Hôm ấy, ông cứ cầm cái ly xoay xoay, mãi không uống. Tôi nghĩ ông không nghiện, không khoái món này nên cũng không nài, cứ kệ ông với cái ly trên tay. Có khi đấy cũng là một cách thưởng thức cà phê. Đến lúc ngẩn ngơ trong vườn cà phê trắng muốt hoa kia, nhà thơ Vân Long thốt lên: “Cả đời uống cà phê đen/Mới hay hồn hoa trắng”. Tôi giật mình với liên tưởng thần tài của nhà thơ đàn anh và câu này sau đấy là câu mở đầu cho một bài thơ của ông.
Ngoài sự phát hiện, sự tương phản đen trắng của câu thơ, tôi còn cảm nhận nỗi đau của câu thơ ở chữ “hồn”. Hồn ở đây có thể nhiều nghĩa nhưng có một nghĩa là hương hồn, là sự hy sinh. Bông hoa trắng ngần trinh bạch kia đã phải hy sinh sự mỹ miều của mình, sự đẹp sự sang đến ngẩn ngơ của mình, cái sắc trắng đến tận cùng trắng của mình... để cho giọt cà phê đen.
Và tôi, tận hôm ấy, cũng mới bàng hoàng trước cái sắc trắng diệu kỳ của hoa cà phê. Cả một cành dài, cả khu vườn tăm tắp trắng, đều đặn trắng, tận cùng trắng, ngút ngát trắng. Dưới nó, đất đỏ, còn chen với nó là lá xanh. Nó cứ rờn rờn trắng...
Và từ câu thơ của Vân Long, tôi nhận thêm một nỗi đau của sắc trắng ấy. Cả cái miền hoa trắng miên man rợn ngợp, chỉ một thời gian ngắn sau, là hết, là như chưa từng có, chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. Nó đã hy sinh cho quả cà phê, rồi từ quả, là những giọt cà phê. Màu đen, tất nhiên.
Thực ra thì cà phê không đen, nhưng thôi, như một mặc định, ta cứ gọi là cà phê đen. Và cái ly cà phê không sữa, ta cũng gọi là cà phê đen.
Tôi nghiện cà phê từ năm 1975. Uống xong là nghiện. Thời sinh viên, thèm cà phê như thèm... thuốc, nhưng chỉ hôm nào có “sự kiện” gì, như mai thi, như hẹn bạn gái đi chơi mà được nhận lời, mới dám... hào phóng làm một ly cà phê. Hồi ấy còn thứ cà phê mà dân Bắc hay gọi là cà phê bít tất, tức là cà phê kho, cho cà phê bột vào một cái bao, túm lại, cho vào nồi đun, nước đen kịt. Khách vào lại chế ra cái xoong nhỏ, hâm nóng rồi chế vào ly. Nhưng nghe thế, nhìn thế, không phải ai cũng có thể làm cà phê kho đâu. Là sau này tôi phát hiện ra điều ấy. Nó còn cả trăm thứ bà rằn để ly cà phê đúng là ly cà phê, để uống một lần rồi là cứ phải... mãi mãi.
Nó cũng còn do quan niệm nữa. Như lâu nay ai cũng biết Tây Nguyên là đất cà phê và lâu nay Đak Lak được mặc định là thủ phủ cà phê, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy, cũng như trà, cà phê ưa độ cao. Và như thế thì Gia Lai cũng là một đất cà phê chính hiệu, bởi nếu tính độ cao so với mặt nước biển, Gia Lai chỉ thua Lâm Đồng; chỉ là nó phát triển sau Đak Lak.
Chưa hết, còn không khí cà phê. Cái này thuộc tài năng từng chủ quán. Ví dụ như tôi, ở Pleiku, hôm nào cũng cà phê, nhưng chỉ ngồi đúng vài quán, tùy từng thời gian. Hồi đầu mới lên là cà phê Kim Liên thuở nó còn ở đường Hùng Vương. Có những Tết không về quê, tôi và vài đứa bạn độc thân ngồi nguyên ngày mùng Một ở đấy. Sau đấy là Thu Hà. Rồi quán Trang ở đường Phan Bội Châu bây giờ. Rồi đến cái quán Trăng Ngàn ở Trần Hưng Đạo, rồi quán cóc vỉa hè Nguyễn Du. Ngồi ở một cái ghế dựa vào tường, nhìn ra ngoài đường. Ly cà phê 7 ngàn đồng thời cách đây... 5 năm. Hôm nào cũng thế, đen nóng. Phin cà phê cho vào cái lon sữa bò rót nước sôi vào, chảy hết phin thì lon vừa nguội, uống rất vừa miệng...
Hơn năm trở lại đây thì... chuyển gu, chỉ cà phê ép. Ấy là từ khi phát hiện ra quán Cà phê 24, rồi quen, rồi nghiện kiểu ấy. Cũng là thời thực phẩm bẩn bị lên án, cà phê... pin xuất hiện. Dù pin ấy không phải dùng để pha vào cà phê như lời đồn nhưng giờ nhu cầu cà phê sạch lên ngôi. Mà sạch nhất, ấy là cà phê hạt ép tại trận, ép tươi đành đạch, ly cà phê bưng ra còn như đang tê tê giãy. Cà phê phin giờ cũng rất ít trộn phụ liệu nữa nhưng khi đã uống cà phê ép thì cà phê phin có vẻ nhạt hơn.
Nhiều khách du lịch lên Gia Lai nói với tôi, thích nhất không khí cà phê ở đây. Nên dẫu nhiều bác nhà văn bạn tôi, từ phía Bắc vào, cầm ly cà phê cho thật nhiều đường vào, ực một phát, rồi chép miệng, ngọt quá, nhưng khi về vẫn thư điện tử hoặc lên Facebook khoe đêm cà phê Pleiku tuyệt vời...
Khi cầm ly cà phê, hàng vạn ly cà phê được cầm mỗi sáng, mấy ai nhớ cái ngàn ngạt trắng của hoa cà phê? Chữ “hồn hoa trắng” bác Vân Long dùng rồi, tôi gọi là “miền hoa trắng”, dù nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có cái bút ký rất hay “Miền gái đẹp”-mượn chữ “miền” của bác ấy vậy.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.