Mê Kông mùa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng Mê Kông trong những ngày đẹp trời thật thơ mộng và hùng vĩ. Dòng nước cuộn chảy, sóng vỗ bờ ì oạp, mặt sông mênh mông, làng xóm lờ mờ trong sương khói. Nhưng chứng kiến tận mắt Mê Kông trong ngày lũ mới biết được sức mạnh khủng khiếp và sự giận dữ bất thường của nó.

Những ngày giông bão, Nam Lào mưa như trút nước. Nước từ các suối đổ về dòng Sê Đôn, con sông chảy qua hai tỉnh Salavan và Champasak (Lào) rồi nhập về dòng Mê Kông, đoạn Pakse-Champasak. Nước Sê Đôn dâng cao bất thường. Dãy kè đá chùa Wat Luông ngày thường cách bờ sông mấy chục mét mà nay nước dâng sát mặt kè, đỏ ngầu, chảy xiết, sóng vỗ mạnh vang xa ngót trăm mét. Nước dồn về cửa Sốp Sế nhập vào dòng Mê Kông làm cho dòng sông thêm hung dữ, lồng lộn hướng về xuôi.
 
Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Trước sự giận dữ của Mê Kông, nước ngập lút cây cối hai bên bờ. Nước như nuốt chửng bãi khổng lồ và tuyệt đẹp, cách bờ hơn dăm chục mét và cao khoảng 10 mét tính từ mặt sông. Lối vào bản Keng Kueng và bản Khang Kueng nước gần đến mặt đường, cao khoảng 8 mét so với ngày thường. Các cù lao và vũng, đầm nước ven sông hàng ngày dân làng ra bắt cá, tắm giặt nay chìm sâu trong dòng lũ. Dòng sông thét gầm cuốn trôi đủ các loại cây cối, rác rưởi từ thượng nguồn đổ về. Đặc biệt, sóng trên sông Mê Kông rất lạ, ngược với dòng chảy. Không biết do gió lớn hay mặt sông quá rộng.


Tôi có mặt nhiều lần tại các đoạn sông chảy qua Pakse những ngày không mưa. Đó là những đoạn sông tuyệt đẹp. Nhìn qua khói sóng lãng đãng trên sông, bờ bên này là bản Keng Kueng và bản Khang Kueng với làng mạc bình yên, thấp thoáng trong rặng cây cùng với những mái chùa cong vút, bên kia là mường Khổng, nơi sản sinh và nuôi dưỡng làn điệu Xi Phan Đon nổi tiếng đất Nam Lào. Núi Phu Nang Non như cô gái Lào đang xõa tóc dài, mơ màng nằm ngủ. Đối diện là núi Pa Chiêng sừng sững gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn của chàng trai mường Ma Lôn. Tượng Phật khổng lồ trên đỉnh núi Sạ Lậu linh thiêng cũng hướng ánh mắt từ bi về dòng Mê Kông như muốn chế ngự sự hung hãn của nó. Vậy mà những ngày lũ, Mê Kông đổi thay sắc mặt, nổi cơn cuồng phong, thét gầm, giận dữ.

Cây Cầu Mới bắc qua sông Mê Kông nằm trên đường 16 đi Thái Lan là cây cầu dài nhất và lớn nhất ở Nam Lào. Ngày không mưa, cầu cách mặt sông chừng vài chục mét. Nhưng khi lũ về, nước chỉ cách mặt cầu chừng 5 mét. Bốn chiếc chân cầu khổng lồ dường như đang đong đưa theo dòng lũ chảy xiết.

Vào buổi chiều ngày đẹp trời, bờ sông Mê Kông luôn tấp nập người. Kẻ tắm giặt, người đánh bắt cá bằng các con thuyền nhỏ gắn máy hoặc chèo tay khắp mặt sông. Có người đi trên bờ quăng chài xuống sông bắt cá. Số khác thì đắp kè đặt cụm. Còn những ngày lũ này, tuyệt nhiên không thấy bóng một con thuyền. Một số thuyền neo cẩn thận vào gốc cổ thụ ven bờ. Một số khác đem về nhà. Đi gần mấy cây số dọc sông mới gặp vài người câu cá trong các đoạn ngoặt của Mê Kông, nước ít chảy xiết. Anh Lak- một người câu cá nói: “Nước lớn thế này chỉ câu ở vũng thôi và chỉ câu cá lớn. Đợi nước rút mới đặt cụm và tát đìa”. Các vũng, đìa mà nước Mê Kông tràn vào, có rất nhiều cá, mùa lũ là mùa cá của người dân ở đây.

Ngạc nhiên là người dân ven sông luôn bình thản trước dòng nước khủng khiếp. Hỏi có khi nào nước ngập và trôi nhà cửa không, họ bảo ở đâu bị trôi, ngập chẳng rõ nhưng ở đây thì không. Một cụ già nói: “Nước lên rồi nước sẽ xuống, nước đến rồi  nước sẽ đi”. Tôi không biết câu ấy gửi gắm ý tứ, triết lý sâu xa nào không hay chỉ là kinh nghiệm lâu đời họ sinh sống bên con sông hung tợn này. Tôi chỉ thấy họ vẫn sinh hoạt như thường ngày, không bắt cá thì… uống rượu, hát và lăm (múa) như không có chuyện gì xảy ra. Ngoài bờ sông, một đám trẻ độ 10-15 tuổi đang thi nhau nhảy từ cành cây ven bờ xuống sông, đoạn nước chảy chậm.

Lũ vẫn đang về trên Mê Kông. Dòng sông vẫn đang nói tiếng nói của mình từ ngàn xưa: Bình yên rồi chợt giận dữ, gầm thét, dũng mãnh và rồi lại hiền hòa. Nhưng không biết rồi đây, Mê Kông có còn như ngàn năm nay?
Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.