Mắt sáng cho người cao tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 5 năm qua, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai (126 đường Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã triển khai 5 chương trình phẫu thuật đem lại ánh sáng cho người cao tuổi. Qua đó, hàng ngàn người cao tuổi trong tỉnh được thăm khám, phẫu thuật đục thủy tinh thể và điều trị miễn phí các bệnh lý về mắt.
Niềm vui mắt sáng
Nhân Tháng Hành động vì người cao tuổi (tháng 1-2022), Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai tiếp tục tổ chức chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho người cao tuổi trong tỉnh. Theo đó, Bệnh viện tổ chức khám sàng lọc bệnh lý về mắt miễn phí tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ khám-chữa bệnh. Qua thăm khám, những bệnh chỉ cần uống thuốc theo dõi tại nhà thì được cấp thuốc, tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Đối với những bệnh cần phải can thiệp phẫu thuật thì được bố trí xe đưa tới bệnh viện để thực hiện.
Bà Siu Phin (SN 1959, làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) vui mừng cho biết: “Hai mắt của tôi bị mờ, nhìn không rõ một thời gian rồi. Tuy nhiên, vì chưa có điều kiện nên tôi chưa đi thăm khám. Vừa qua, các y-bác sĩ về tận nơi thăm khám miễn phí cho bà con và sau đó bố trí xe đưa mọi người lên bệnh viện để tiến hành phẫu thuật. Sau ca mổ, tôi đã nhìn thấy rõ. Nếu các y-bác sĩ không về làng thì không biết đến khi nào tôi mới có cơ hội được chữa trị”.
11-10-2022Bà Siu Phin (người ngồi giữa)- thôn Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê vui mừng sau ca phẫu thuật giúp bà tìm lại được đôi mắt sáng. Ảnh Như Nguyện
Bà Siu Phin (người ngồi giữa)-thôn Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê vui mừng sau ca phẫu thuật. Ảnh: Như Nguyện
Cùng niềm vui, bà Dương Thị Tình (SN 1940, làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Hai mắt tôi bị mờ nhìn không thấy rõ. Trước giờ, tôi cứ nghĩ do tuổi già, không nghĩ có thể chữa được. Hôm rồi, bác sĩ về làng thăm khám, phát hiện và đưa tôi lên bệnh viện phẫu thuật. Được thăm khám, điều trị, phẫu thuật kịp thời nên giờ mắt tôi đã nhìn rõ lại. Tôi rất biết ơn”-bà Tình bày tỏ.
Nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, đều đặn hàng tháng, Bệnh viện tổ chức khám sàng lọc miễn phí các bệnh lý về mắt cho người dân tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Người dân nhiều nơi do điều kiện kinh tế khó khăn nên ít đi thăm khám sức khỏe thường xuyên, nhất là người cao tuổi do ngại đi lại, tốn kém, sợ phiền con cháu… Nhiều người mắt gần như mù do đục thủy tinh thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, bất tiện trong sinh hoạt. Sau khi khám sàng lọc, chúng tôi đã bố trí xe đưa đón bệnh nhân lên bệnh viện phẫu thuật. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, nếu vì hoàn cảnh quá khó khăn thì chúng tôi sẽ hỗ trợ”-bác sĩ Phượng thông tin.    
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai thăm khám mắt cho bà Dương Thị Tình (làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê). Ảnh: Như Nguyện
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai thăm khám mắt cho bà Dương Thị Tình (làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê). Ảnh: Như Nguyện
Tuổi càng cao, con người càng cảm nhận rõ rệt sự kém linh hoạt của các cơ quan, trong đó có mắt. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc đôi mắt nói riêng là việc nên làm thường xuyên, liên tục. Đối với người cao tuổi cần thăm khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về mắt. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực.
Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai cho biết: Người cao tuổi thường mắc một số bệnh về mắt như: bệnh Glôcôm, võng mạc đái tháo đường, khô mắt… Riêng bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Tuy bệnh không dẫn tới mù hoàn toàn nhưng gây cản trở không nhỏ tới đời sống sinh hoạt, làm giảm khả năng nhìn chi tiết mọi vật, mờ dần theo thời gian, gây cảm giác đau nhức, khó chịu. Còn bệnh đục thủy tinh thể sẽ khiến mắt người già nhìn mờ hơn, thỉnh thoảng bị lóa mắt, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Khi bị đục thủy tinh thể, việc đeo kính không thể cải thiện thị lực, giải pháp tối ưu là phẫu thuật lấy bỏ thủy tinh thể bị đục, thay thể bằng thủy tinh thể nhân tạo.
Cũng theo bác sĩ Phượng, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp PHACO hiện đại được triển khai tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai nhiều năm qua. Phẫu thuật này không đau, không chảy máu; thời gian ngắn (thường kéo dài 3-5 phút); vết mổ rất nhỏ không cần khâu, thời gian phục hồi sau mổ nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày và nhìn thấy rõ ngay ngày đầu sau mổ. Phương pháp này an toàn, ít biến chứng, người bệnh yên tâm trong quá trình phẫu thuật và điều trị. “Trung bình 1 tháng, Bệnh viện thực hiện khoảng 300 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể, phần lớn là người cao tuổi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được về nhà ngay, thị lực cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm vui mắt sáng cho người bệnh”-bác sĩ Phượng thông tin.
NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.