Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai: Mang lại sự tự tin cho người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2020, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai (126 đường Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku) triển khai phẫu thuật cho những người bị lác, lé. Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên phẫu thuật lác, lé cho trẻ em và người lớn với hơn 100 ca thành công đến thời điểm này, góp phần mang lại sự hài lòng và tự tin cho người bệnh.

Tự tin hơn sau phẫu thuật

Anh R.L.T. (25 tuổi, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) bị lác, lé bẩm sinh nên mặc cảm, tự ti khi phải tiếp xúc với mọi người. Trước đây, do không có điều kiện, nếu chữa bệnh phải lên tuyến trên tốn nhiều tiền nên anh T. không nghĩ đến việc chữa tật lác, lé. Được mọi người giới thiệu, anh T. đến Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai để khám và được chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công không chỉ giúp anh T. tự tin, không còn e ngại khi phải tiếp xúc với mọi người mà còn thuận lợi hơn trong công việc. Anh bộc bạch: Lúc nhỏ tôi thường là đối tượng bị bạn bè trêu chọc nên rất tự ti, ít tiếp xúc với người lạ. Nhiều lúc rất tủi thân và chỉ ao ước mắt của mình bình thường như bao người khác. Sau khi được phẫu thuật tôi rất hài lòng. Giờ đôi mắt của tôi đã trở lại bình thường như bao người, giúp mình thêm tự tin và yêu đời.

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng tiến hành phẫu thuật lác, lé cho một bệnh nhân. Ảnh:  Như Nguyện
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng tiến hành phẫu thuật lác, lé cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện


Sau khi con được phẫu thuật lác, lé thành công tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, chị N.T.T.H. (phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: Con gái tôi không may bị lé từ lúc còn nhỏ. Điều này không chỉ làm cháu thiếu tự tin, mặc cảm mà còn ảnh hưởng đến việc học tập. Vừa qua, gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện khám và phẫu thuật. Hiện đôi mắt của cháu đã bình thường. Gia đình rất mừng, cảm ơn các y-bác sĩ đã mang lại cho cháu đôi mắt như bao người.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng-Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai-cho biết: Bệnh lé hay còn gọi là bệnh lác khiến hai mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát (nhìn thẳng về phía trước), một mắt lệch so với mắt còn lại. Tùy theo cơ bị ảnh hưởng mà mắt có thể: lé ra ngoài gọi là lé ngoài, lé vào trong gọi là lé trong, hoặc lé đứng trên dưới. Trong đó, 70% các trường hợp trẻ bị lác có kèm theo tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị. Ngoài ra còn có những dị tật khác như: rung nhãn cầu, đục thủy tinh thể, nhãn cầu nhỏ đôi khi cũng đi kèm bệnh lác. Bệnh này không chỉ làm cho người bệnh bị nhược thị mà còn khiến họ thiếu tự tin, ảnh hưởng đến tâm lý. Nhu cầu chữa bệnh lác khá cao và Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai là cơ sở đầu tiên khu vực Tây Nguyên triển khai phẫu thuật lác, lé. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Địa chỉ tin cậy

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, lé xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn do cơ hay thần kinh chi phối cho cơ. Lé có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây nên tật lác, lé, trong đó có các nguyên nhân do bẩm sinh, chấn thương, bị liệt dây thần kinh… Bệnh lác, lé xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng, có thể mất thị lực ở mắt lé (hay còn gọi là nhược thị). Mất khả năng nhận thức chiều sâu (thị giác 2 mắt), khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật, dễ bước hụt chân cầu thang.

Các gia đình khi phát hiện con mình có những bất thường về mắt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh:  Như Nguyện
Các gia đình khi phát hiện con mình có những bất thường về mắt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Như Nguyện


Ngoài ra, bệnh lé, lác làm giảm thị trường quan sát ở một mắt. Một số nghề nghiệp sau này đòi hỏi thị giác hai mắt tốt (lắp ráp máy móc, dùng kính hiển vi, vận động viên thể thao…). “Tùy theo từng trường hợp mà có nhiều phương pháp điều trị lé, trong đó có phẫu thuật. Bệnh lác, lé điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là trẻ dưới 6 tuổi vì để càng lâu có thể gây ra tình trạng nhược thị rất khó điều trị. Vì vậy, nên đưa trẻ đi khám ở cơ sở có chuyên khoa ngay khi phát hiện trẻ bị lé. Ở người trưởng thành, nếu mắt đã bị nhược thị thì việc chỉnh lé có mục đích thẩm mỹ nhằm mang lại sự tự tin cho người bệnh. Bệnh lé rất dễ nhận biết khi tự soi gương hay người xung quanh phát hiện thấy mắt lệch. Đối với những trường hợp lé ẩn thì khám chuyên khoa mới phát hiện được”-bác sĩ Phượng khuyến cáo.

Đi vào hoạt động từ năm 2018, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã trở thành địa chỉ tin cậy khám, điều trị các bệnh lý về mắt trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ y-bác sĩ, đầu tư, trang bị máy móc hiện đại, nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ. Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật thành công hơn 11.000 ca đục thủy tinh thể bằng phương pháp PHACO; trong đó có 80% là người dân tộc thiểu số. Từ cuối năm 2020 đến nay, Bệnh viện phẫu thuật lác, lé cho hơn 100 ca và 100% bệnh nhân hài lòng sau phẫu thuật.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.