Lầm tưởng tật khúc xạ, nhiều trẻ đến viện khi đục thủy tinh thể ở giai đoạn muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với suy nghĩ sai lầm đục thủy tinh thể là bệnh hay gặp của người già nên nhiều gia đình khi thấy con mình giảm thị lực đều cho là bị tật khúc xạ. Thời gian qua, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã tiếp nhận, thăm khám cho nhiều trẻ em bị đục thủy tinh thể ở giai đoạn muộn (độ 4, độ 5) và chỉ định phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo để giúp trẻ cải tạo thị lực.

Mới đây, chị Ksor Hyich (làng Yom, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) đưa con trai Ksor Sĩ (10 tuổi) đến Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai thăm khám. Trước đó, năm 2020, cháu Sĩ đã từng được phẫu thuật thay thủy tinh thể mắt phải tại TP.Hồ Chí Minh. Chị Hyich chia sẻ: "Cháu đi học rồi mắt không nhìn rõ. Mình không nghĩ là cháu bị đục thủy tinh thể mà ngỡ là mắt yếu. Sau vào TP. Hồ Chí Minh mới phát hiện và được phẫu thuật mắt phải. Chi phí đi lại, phẫu thuật hết gần 20 triệu đồng. Nay được mọi người giới thiệu Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai nên mình đưa cháu đến đây để bác sĩ khám và làm phẫu thuật mắt trái. Chi phí điều trị sau khi trừ bảo hiểm y tế là hơn 8 triệu đồng. Sau phẫu thuật, sức khỏe cháu đã đỡ nhiều. Các y-bác sĩ tại đây rất nhiệt tình, chi phí chữa trị cũng rẻ hơn so với ở Sài Gòn”.

Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng bất thường cần kịp thời cho trẻ thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt. Ảnh: Như Nguyện
Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng bất thường cần kịp thời cho trẻ thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt. Ảnh: Như Nguyện



Theo bác sĩ Mai Văn Hòa (Phòng khám Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai), trung bình mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khám và phẫu thuật khoảng 10 ca đục thủy tinh thể trẻ em. Đa số các em đến khám ở giai đoạn muộn (độ 4, độ 5), trẻ chỉ cảm nhận sáng tối chứ không nhìn thấy rõ. Nguyên nhân đục thủy thể ở trẻ em hầu hết là do bẩm sinh. “Việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng để giữ thị lực cho trẻ, giảm các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em nhưng bị bỏ qua, có khi chỉ được phát hiện một cách tình cờ”-bác sĩ Hòa thông tin.

Để nhận biết triệu chứng sớm của đục thủy tinh thể trẻ em, các gia đình cần chú ý đến con em mình. Khi thấy trẻ có những triệu chứng như có biểu hiện quờ quạng, học tập giảm sút vì nhìn không rõ, mắt yếu; tròng đen không còn độ trong, đen, có điểm trắng… thì nên cho trẻ đi khám chuyên khoa mắt để xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời; cần thiết thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo (ống kính nội nhãn) giúp trẻ tìm lại thị lực.

Hiện Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai đã triển khai phẫu thuật PHACO trong điều trị đục thủy tinh thể. Phẫu thuật không đau, không chảy máu; thời gian phẫu thuật ngắn (thường kéo dài 3-5 phút); vết mổ rất nhỏ không cần khâu, thời gian phục hồi sau mổ nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày và nhìn thấy rõ ngay ngày đầu sau mổ. Phương pháp này an toàn, ít biến chứng. Hiện Bệnh viện sử dụng các loại thủy tinh thể nhân tạo tốt nhất, có uy tín trên thế giới và được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) công nhận.

Về trường hợp bệnh nhi Ksor Sĩ, cháu đã được phẫu thuật thay thủy tinh thể vào sáng 14-7. Đến chiều 14-7, sức khỏe ổn định và được cho xuất viện trong ngày. “Sau mổ thay thủy tinh thể nhân tạo giúp trẻ cải thiện thị lực, có trường hợp thị lực đạt tối đa sau mổ như người bình thường”-bác sĩ Hòa nói.

Hiện nay, đục thủy tinh thể có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa vì vậy cần nhận biết và thăm khám kịp thời để tránh biến chứng. Người dân có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, khám chuyên khoa về mắt có thể liên hệ số điện thoại: (0269) 3656666 để được tư vấn cụ thể hoặc đến khám tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai (địa chỉ 126 Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku).

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.