Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái xung quanh vấn đề này.
Ngành Y tế Gia Lai không ngừng nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: N.N

Ngành Y tế Gia Lai không ngừng nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: N.N

*P.V: Thưa ông, đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” có những mục tiêu trọng tâm nào?

- Ông LÝ MINH THÁI: Những năm qua, với nỗ lực của ngành Y tế tỉnh, chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở đã cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Cơ sở hạ tầng y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, xuống cấp, trang-thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn hạn chế.

Ngày 22-7-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030”. Đề án có vai trò quan trọng và là công cụ hữu hiệu để đảm bảo quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030 có tính khả thi và nâng cao tính hiệu lực pháp lý của quy hoạch.

Đề án có một số mục tiêu trọng tâm như: Phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với mô hình bệnh tật và xu hướng già hóa dân số. Củng cố, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện, đầu tư phát triển các lĩnh vực chuyên khoa sâu (tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, truyền máu và huyết học, ngoại, sản…) nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Xây dựng hệ thống y tế dự phòng của tỉnh bảo đảm năng lực ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, thảm họa, biến đổi khí hậu, an ninh y tế, đủ khả năng đáp ứng với các đại dịch. Đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống khám-chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, công tác kết hợp quân-dân y, quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang-thiết bị, hóa chất và vật tư tiêu hao phục vụ nhu cầu khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân; kịp thời đáp ứng cho các hoạt động phòng-chống dịch bệnh, thảm họa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, đề án còn góp phần củng cố, đổi mới và phát triển tổ chức, hệ thống kiểm nghiệm, giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; mạng lưới các cơ sở làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công-tư trên tinh thần đảm bảo sự minh bạch, công khai và cạnh tranh bình đẳng, có các hình thức ưu đãi, không phân biệt công-tư trong cung ứng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, phấn đấu số giường bệnh tư nhân chiếm 10-15% trong giai đoạn 2025-2030.

Đề án còn tập trung xây dựng, đảm bảo nguồn nhân lực y tế có đủ số lượng theo cơ cấu và chất lượng theo từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9 bác sĩ vào năm 2025; đạt 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030; đạt 22 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 và 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030.

Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực phát triển ngành Y tế tỉnh, hướng đến làm chủ công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số lĩnh vực y tế.

* P.V: Để đảm bảo hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, ngành Y tế tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông LÝ MINH THÁI: Theo lộ trình, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thành phần từ quý I-2024 và tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt có nội dung thuộc phạm vi đề án này. Đào tạo cán bộ, đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang-thiết bị… theo lộ trình các đề án đã được phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Giai đoạn 2026-2030, ngành Y tế tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung về nâng cao năng lực quản trị y tế; tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh, đổi mới y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; chú trọng công tác dân số và phát triển; phát triển sản xuất, cung ứng thuốc, vật tư; phát triển nguồn nhân lực y tế; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; thực hiện tự chủ và phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Ngành Y tế tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng khám điều trị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tình hình mới. Ảnh: Như Nguyện

Ngành Y tế tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng khám điều trị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tình hình mới. Ảnh: Như Nguyện

*P.V: Theo ông, đề án sẽ tác động như thế nào đến việc xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới?

- Ông LÝ MINH THÁI: Hiện nay, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới mang tính toàn diện về y tế như: kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, điều chỉnh và thay đổi cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế... Theo đó, ngành Y tế phải đổi mới cả về định hướng hoạt động, tổ chức bộ máy, mạng lưới, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang-thiết bị, nguồn nhân lực, công tác quản lý và công tác hạch toán tài chính y tế... để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Đề án là công cụ hữu hiệu để đảm bảo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030 của tỉnh có tính khả thi và nâng cao tính hiệu lực pháp lý của quy hoạch. Khi đề án hoàn thành sẽ xây dựng và phát triển ngành Y tế tỉnh hiện đại, đồng bộ, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tập trung nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân. Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, phát triển y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng. Đảm bảo người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.

*P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.