Trước đó, ngày 8-4, ông L.V.T. (phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã đặt phòng để đi du lịch thông qua website giả mạo của một resort. Các đối tượng đưa ra một mã QR để ông T. chuyển tiền qua ứng dụng của Ngân hàng với số tiền 5 triệu đồng để đặt trước phòng ở.

Tuy nhiên các đối tượng lấy lý do chuyển nhầm rồi gửi cho ông T. các đường link lạ để ông làm theo hướng dẫn nhằm lấy lại tiền chuyển nhầm. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt của ông T. 800 triệu đồng.
Theo Phòng An ninh đối ngoại, đây là thủ đoạn đang được các đối tượng sử dụng trên cả nước và đã ghi nhận nhiều người dân "sập bẫy". Chúng thường tạo các website, fanpage giả mạo các cơ sở lưu trú bằng cách sử dụng hình ảnh thật của các resort, homestay, khách sạn để tạo lòng tin.
Đồng thời thay đổi số điện thoại, email để liên hệ với các nạn nhân. Đặc biệt, các trang giả mạo thường đưa ra các gói đặt phòng với mức giá rẻ hơn nhiều so với thực tế để thu hút khách. Một số trang còn chạy quảng cáo, tạo sự tương tác cao và tư vấn chuyên nghiệp khiến du khách mất cảnh giác.
Song song với việc cảnh báo người dân, Phòng An ninh đối ngoại đề nghị các cơ sở lưu trú niêm yết công khai, minh bạch về giá cả, hình thức đặt phòng chính thống trên website, fanpage chính thức và các nền tảng đặt phòng uy tín, khuyến nghị khách hàng chỉ đặt phòng qua kênh chính thống, cung cấp đường dây nóng hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát các trang website, fanpage giả mạo cơ sở lưu trú của mình, tăng cường áp dụng các biện pháp bảo mật, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nhanh chóng các trường hợp giả mạo.