Mang chiêng đi đánh nước người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
14 lần được mang cồng chiêng đi nước ngoài biểu diễn, thuộc và tự biên dịch 20 sử thi, dự hội thảo tại 10 quốc gia, nghệ nhân A Thút ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum không chỉ trở thành sứ giả mang niềm tự hào của văn hóa Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế- cuộc đời ông còn là một minh họa sống, rằng tài năng chỉ có được khi cắm rễ vào đất mẹ…
Những kỷ niệm khó quên
…Sân vận động ngoài trời Washington (Mỹ) có sức chứa tới 30 ngàn khán giả. Một rừng người háo hức xen lẫn tò mò đợi giờ biểu diễn. Biết cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam trở thành di sản nhân loại, nay được mục kích xương thịt của nó giữa lòng nước Mỹ, không ai muốn bỏ qua cơ hội hiếm có này… Nhìn rừng người nhấp nhô, A Thút không nén được hồi hộp, bụng bảo dạ “thì cứ coi như là đang biểu diễn cho dân mình xem đi” rồi quay sang động viên mọi người trong đoàn bình tĩnh. Đội chiêng có 16 người thì gia đình A Thút đã chiếm 3. Họ rất hiểu A Thút. Vả chăng A Thút tin rằng khi tiếng chiêng cất lên, vía mọi người sẽ “nhập đồng”, khán giả chỉ còn là  ngoại biên ý thức…
Nghệ nhân A Thút (phải) và tác giả. Ảnh: Đăng Vương
Nghệ nhân A Thút (phải) và tác giả. Ảnh: Đăng Vương
Nhưng tiếng chiêng vừa khai lại chính A Thút là người đầu tiên bị “nhập đồng”. Sau này nhớ lại những giờ phút đó A Thút chẳng thể cắt nghĩa được… Lòng tự hào dân tộc? Cái cố hữu của hồn vía nghệ nhân? Có lẽ là tất cả. Chỉ thấy bước chân như mê đi, hồn phách nhập đâu cả vào tiếng cồng chiêng… Cả rừng người lặng phắc rồi vỡ òa trong từng tràng pháo tay không ngớt. Buổi biểu diễn kết thúc nhiều người còn nán lại. Họ ngắm nghía trang phục, sờ tay vào từng chiếc chiêng như tìm kiếm sự thần diệu nào ẩn chứa đằng sau thứ nhạc cụ đơn sơ kia… Rồi những câu hỏi tới tấp. Tò mò có và đầy ẩn ý cũng có. A Thút nhớ nhất câu “lần đầu tiên được đặt chân đến, ông thấy nước Mỹ thế nào?”.
Trước hôm biểu diễn, A Thút đã được Đại sứ quán ta cho tham quan mấy nơi tiêu biểu ở Washington. Chờ nghe một sự thán phục đầy tự ti, nào ngờ A Thút đáp: “Thì cũng bình thường, nhà cửa rồi xe cộ như ở nước tôi vậy thôi”. Một Việt kiều nghe vậy đến ôm lấy A Thút “Cảm ơn anh đã cho chúng tôi niềm tự hào là người Việt Nam”. Còn Đại sứ quán ta, sau đó đã tặng đoàn 1.000 “đô” ghi nhận một hoạt động văn hóa thành công trên đất Mỹ…
Mười bốn lần mang chiêng đi biểu diễn ở nước người, kỷ niệm đáng nhớ ở nước Mỹ cũng chỉ là một. Nhớ lần đi biểu diễn ở Seoul (Hàn Quốc) một mình A Thút “tác chiến” hết cồng chiêng lại độc tấu đàn goong, hát dân ca. Vui nhất là tiết mục hát dân ca. A Thút mặc hà bành, độn áo ngực đóng giả con gái mà người xem cũng không nhận ra… Kim I Sul- người dẫn chương trình truyền hình có tiếng xin chụp ảnh kỷ niệm với A Thút. Vợ xem ảnh bảo: “Quàng vai quàng cổ thế này là ưng người ta rồi. Mai mốt định bỏ vợ sang Hàn Quốc ở chớ gì?”. A Thút phải ngọt nhạt mãi, lại đem những tấm ảnh “tây” ra minh họa vợ mới chịu tin…
Rồi lần biễu diễn ở Malaysia A Thút vào vai già làng kể khan. Cảnh được A Thút cho dựng hệt như ở nhà. Hình ảnh lạ lẫm của một sàn diễn cổ sơ, một diễn viên độc diễn hàng chục nhân vật đã khiến người xem vô cùng thích thú. Một giáo sư người Mianmar bảo “Cần gì phải sang tận Việt Nam, ở đây chúng ta cũng đã thưởng thức đầy đủ cái nguyên gốc của nghệ thuật kể khan rồi”.
Đất mẹ hồi sinh
“Nếu ở Mỹ, cuộc sống vật chất chưa biết sướng khổ thế nào nhưng điều chắc chắn tôi chỉ là một kẻ lưu vong trong hàng triệu kẻ lưu vong… Cứ kiếm sống cho đến tàn hơi rồi một ngày sẽ trở về với thế giới câm lặng không một tiếng cồng chiêng đưa tiễn. Chuyện nhỏ nhoi mà mong ước, nói chi đến được mang di sản cha ông đi diễn nước người, được hãnh diện mình là người Bahnar…”.
Chả phải bây giờ gần 60 mùa rẫy mới “ngồi đây tưởng chuyện mai sau”. 36 năm trước, tâm hồn nhạy cảm của A Thút đã tưởng đến cái kết cục buồn này… Năm 1972, A Thút tốt nghiệp tú tài. Người dân tộc thiểu số ở Sa Thầy có trình độ ấy, A Thút là một. Cậu được chính quyền Sài Gòn cho vào trường thiếu sinh quân. Đang dở dang thì Sài Gòn chuẩn bị giải phóng. Nằm trong kế hoạch “hậu chiến”, số học viên thiếu sinh quân dự định sẽ được di tản. Thủ tục đã nằm trong tay chỉ còn chờ ngày nhưng A Thút đã từ chối. “Tôi muốn ở lại với đất mẹ của tôi.
“… Dù có ông bác ruột là cán bộ tập kết (sau này là liệt sĩ) thực tình là lúc đó A Thút chẳng hiểu gì lắm về Cách mạng. Nó chỉ gần như là một sự trở về đầy bản năng. Cậu nhớ ngôi làng nhỏ bé, heo hút ở tít Hà Mòn (bây giờ là xã Hơ Moong) với hình ảnh thân thương của ông ngoại… Những đêm đông bên bếp lửa rừng rực cuộn tròn trong lòng ông, trí óc non nớt của cậu đã phiêu lưu không biết mệt theo bước chân của bao chàng dũng sĩ. Rồi những tiếng chiêng đầu đời bàn tay già nua của ông đã bao lần nắn nhịp… Vẫn nhói lòng A Thút cái giọng buồn buồn mỗi khi nhớ về ông “Đời người ta đi không biết bao nhiêu đường nhưng nơi mình sinh ra, ai rồi cũng phải có lúc nhớ về. Cố học đi. Đầu cháu bây giờ còn như trái bắp non, mai mốt có hạt mới hiểu được điều ông nói…”.
Nhưng cuộc sống những ngày sau giải phóng đầy khó khăn. Việc nương rẫy với A Thút bây giờ trở nên xa lạ. Để đỡ gánh nặng cho gia đình A Thút nghĩ cách học người Kinh đi buôn. Nói “đi buôn” cho oai, thực ra chỉ sắm ít muối, cá khô vào các làng xa đổi lúa. Thấy người Bahnar làm việc lạ, ai cũng cứ xúm lại hỏi. Khi biết đây là cháu ông A Loih, họ bảo:  A Loih ngày xưa giàu, giỏi đánh chiêng, giỏi khan, cả Kon Tum ai cũng biết. Mày cũng có học được chút chớ? A Thút gật. Thế là họ kéo A Thút vào hội làng… Xem A Thút đánh chiêng, người già bảo: Cái vía ngày xưa của ông A Loih đã nhập vào nó rồi. Còn đám trai làng thì mê lịm tay gảy đàn goong, đàn ghi ta của A Thút. Họ bảo: Thôi từ nay chúng tôi không cần muối, cá khô của anh đâu. Cứ dạy cho chúng tôi đánh chiêng, đánh đàn, kể khan cho chúng tôi nghe. Cần bao nhiêu lúa, bao nhiêu gà, chúng tôi sẽ mang cho anh đủ…
Và quả thật suốt mấy năm trời A Thút đã không phải lo đến việc kiếm cái ăn. Hội làng, đám cưới, bỏ mả, mừng nhà mới… ở đâu người ta cũng kéo A Thút cho bằng được. Sự quý trọng đó đã khiến A Thút không khỏi suy nghĩ. Những giá trị  văn hóa của cha ông hóa ra vẫn rất bền chặt với cuộc sống của đồng bào mình. A Thút chợt thấy mình đã may mắn biết bao khi ngẫm ra lời ông ngoại. Hiện tại đã vậy, với cuộc sống tương lai, những giá trị này sẽ càng trở nên quý giá bội phần…Vốn liếng của ông ngoại truyền cho cứ ngày một dày thêm trong những chuyến biểu diễn bất thành văn như thế. Và niềm tin của A Thút đã trở thành sự thật…
Điều không thể mất
Trò chuyện với A Thút, tôi có cảm giác cả kho tàng văn hóa của người Bahnar được lưu giữ trong con người này.Vậy mà điều oái oăm, chính miền đất nuôi dưỡng nên nghệ nhân tài năng A Thút lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ nền văn hóa truyền thống. Hầu hết cồng chiêng, lễ hội truyền thống đã bị cơn lốc đen của tà đạo Hà Mòn quét trôi. Sự biến này đã khiến A Thút buồn hơn  bị đánh cắp những gì quý giá nhất. Bản sắc văn hóa dân tộc bị xúc phạm, nghĩ cho cùng cũng có một phần lỗi của chúng ta. Nguyên nhân khiến thứ tà đạo này len được vào đời sống cũng là bởi văn hóa truyền thống đã yếu sức đề kháng. Chống tà đạo phải bằng sức đề kháng của nền văn hóa ông cha. Trăn trở ấy đã khiến A Thút quyết tâm giành lại những gì đã mất. Đội cồng chiêng thiếu nhi gồm 27 cháu đã được ông thành lập và đích thân truyền nghề. Điều khiến A Thút rất xúc động là sau sự rã đám của cơn lốc tà đạo, nhiều người dân đã thức tỉnh. Họ chất vấn A Thút tại sao không tuyển con cháu họ vào đội cồng chiêng…
Tôi theo A Thút ra sân tập. Trong cái nắng rớt cuối ngày bức bối, các “nghệ nhân” nhí vẫn cần mẫn gò từng tiếng chiêng, từng nhịp chân theo chỉ dẫn của A Thút. Thoáng chốc lưng áo ông đã ướt đẫm mồ hôi, giọng khàn đi vì phải nói quá nhiều… Đào luyện nên tài năng vốn là một sự gian khổ đặc thù của nghệ thuật. Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên chưa bao giờ là một nghề, chưa ai sống bằng nghề, vậy mà các “nghệ nhân” đã chấp nhận sự đào luyện gian khổ… Giá trị văn hóa chân chính của một dân tộc là chân lý-điều không thể mất…
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.