Một ngày sau khi cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đề nghị Ấn Độ can thiệp ngoại giao và quân sự để giúp giải quyết khủng hoảng chính trị ở đảo quốc này, Trung Quốc đã lập tức lên tiếng phản đối.
Maldives lâm vào tình trạng khủng hoảng kể từ tuần trước, khi Tòa án tối cao nước này quyết định trả tự do cho 9 tù nhân chính trị, trong đó có ông Nasheed. Tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen từ chối tuân thủ phán quyết và ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày. Hiện hai thẩm phán Tòa tối cao và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom đã bị bắt giam.
Cựu lãnh đạo Nasheed, lãnh đạo đảng Dân chủ Maldives đang sống lưu vong, ngày 6-2 thông qua Twitter lên án lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp là bất hợp pháp, đề nghị Ấn Độ can thiệp ngoại giao và quân sự giúp giải thoát những người bị bắt, chấm dứt khủng hoảng.
Phía Ấn Độ vào tuần trước đã phát biểu về vụ việc. Trong thông cáo chính thức, New Delhi tuyên bố chính quyền Maldives “bắt buộc” phải tuân thủ phán quyết của Tòa tối cao.
Không những vậy, tờ The Quint còn dẫn lời Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay xe tăng và lực lượng đặc nhiệm đang ở trong tình trạng chuẩn bị, nếu được “bật đèn xanh” thì quân đội nước này sẽ được triển khai bằng các máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III và C-130J Super Hercules.
Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed nhờ Ấn Độ giúp đỡ - Ảnh: Dawn |
Phản ứng trước lời đề nghị Ấn Độ can thiệp của ông Nasheed, Trung Quốc ngày 7.2 đã lên tiếng phản đối bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Maldives, cho rằng hành động này sẽ làm phức tạp thêm tình hình.
Theo ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Cộng đồng quốc tế nên đóng một vai trò mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền Maldives thay vì có những biện pháp làm phức tạp tình hình. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan ở Maldives có thể giải quyết thỏa đáng vấn đề thông qua tham vấn, và khôi phục sự ổn định cùng trật tự xã hội càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin họ đủ khôn ngoan và khả năng để tự giải quyết”.
Ông Cảnh cũng bác bỏ cáo buộc Trung Quốc ủng hộ cho Tổng thống Yameen vì lãnh đạo này đã ký thỏa thuận thương mại tự do và phê chuẩn cho một số dự án của Bắc Kinh tại quốc gia Nam Á này.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng ngày cũng đã cho đăng một bài xã luận với tiêu đề “Ấn Độ phải dừng can thiệp vào Maldives”. Bài báo viết: “Những cuộc đấu đá chính trị là chuyện nội bộ, và New Delhi không có lý do để can thiệp vào nội bộ của chính quyền Maldives. Maldives phải chịu sức ép lớn từ Ấn Độ. Nhưng chủ quyền của Maldives nên được tôn trọng. Khủng hoảng chính trị này nên để cho người Maldives giải quyết”.
Trong bài, Hoàn cầu Thời báo còn cáo buộc New Delhi rất muốn kiểm soát các quốc gia Nam Á và xem khu vực này là “sân sau” của mình.
Ấn Độ xem Trung Quốc là đối thủ địa chính trị chính ở châu Á. Chính quyền New Delhi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã có những động thái quyết đoán hơn nhằm duy trì ưu thế chiến lược về mặt địa lý ở Ấn Độ Dương. Ông Constantino Xavier, học giả của tổ chức Carnegie India, cho biết: “Khi Ấn Độ đang cố tự khẳng định mình là một cường quốc nổi bật ở Ấn Độ Dương, Maldives ngày càng trở nên quan trọng”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng xem Maldives là một trong những điểm quan trọng trong “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua Ấn Độ Dương. Với số tiền đầu tư lẫn lượng du khách khổng lồ, Bắc Kinh ngày càng quan trọng về mặt kinh tế đối với quốc gia Nam Á này. Đặc biệt, hai bên đã ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
Cẩm Bình (Economic Times, The Quint, Một Thế Giới)