Mắc ca: Từ “kép phụ” trở thành cây trồng chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh với trên 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong, Krong. Từ chỗ chỉ được trồng xen để chắn gió và cải thiện thu nhập, cây mắc ca đang phát huy giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao và dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Hiệu quả kinh tế cao

Thời điểm này, người trồng mắc ca ở xã Sơ Pai chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi ghé thăm vườn mắc ca 3 ha trồng thuần, trong đó có 2 ha đang cho thu hoạch của gia đình anh Lại Huy Hưng (thôn 4). Anh Hưng cho biết: Khoảng 6 năm trước, phong trào trồng mắc ca trên địa bàn phát triển mạnh. So với các loại cây khác, mắc ca tương đối dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Trung bình mỗi năm chỉ cần bón phân 2-3 lần và tưới nước thường xuyên là đảm bảo. Quan trọng nhất là lúc mắc ca ra hoa (tháng 12), khoảng thời gian này nếu không có mưa, nhiệt độ duy trì ở mức 20-22 độ C thì cây sẽ phát triển tốt. Còn nếu nắng quá hoặc bị mưa, hoa mắc ca không đậu quả và bị thối. “Năm nay, vườn mắc ca của gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng do thời điểm ra hoa bất ngờ xuất hiện cơn mưa khiến năng suất không đạt như kỳ vọng. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến năng suất có thể đạt 5 tấn/ha, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 300 triệu đồng/ha. Còn hiện tại, thu nhập của gia đình chỉ khoảng 130-150 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này vẫn cao hơn nhiều so với các cây trồng khác”-anh Hưng nói.

Ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) chăm sóc vườn cây mắc ca. Ảnh: Hà Phương

Ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) chăm sóc vườn cây mắc ca. Ảnh: Hà Phương

Tại xã Sơ Pai, cà phê vẫn được xem là cây trồng chủ lực, còn mắc ca chủ yếu được trồng xen để vừa chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây mắc ca ngày càng cho hiệu quả kinh tế cao nên trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương.

Gia đình chị Trần Thị Hòa (thôn 3, xã Sơ Pai) trồng 1 ha mắc ca xen cà phê. Chị cho hay: Việc trồng xen cây mắc ca và cà phê cho hiệu quả rất cao. Cụ thể, lượng nước tưới, phân bón từ gốc cà phê sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca. Ngược lại, cây mắc ca sẽ chắn gió, tạo điều kiện cho cây cà phê ra hoa, đậu quả, nhất là ở vùng đồi cao. “Trước đây, diện tích trồng cà phê của gia đình thuộc đất lâm nghiệp. Sau đó, Nhà nước khuyến khích các hộ dân phủ xanh đất rừng, gia đình quyết định lựa chọn trồng cây mắc ca để tăng thu nhập. So với trồng keo, bời lời thì trồng mắc ca mang lại hiệu quả cao hơn nhiều”-chị Hòa chia sẻ.

Ông Võ Thanh-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-thông tin: Trên địa bàn có khoảng 590 ha cây mắc ca, chủ yếu trồng xen với cà phê. Xã Sơ Pai nói riêng và huyện Kbang nói chung có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây mắc ca phát triển. Từ năm 2012, huyện đã thí điểm trồng mắc ca ở xã Sơ Pai và mang lại hiệu quả rất rõ. Hiện ngoài cây cà phê được xem là chủ lực, mắc ca cũng cho giá trị kinh tế rất cao. Thậm chí, thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế từ cây mắc ca cao hơn nhiều so với cây cà phê. Đối với những hộ trồng thuần cây mắc ca, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha là chuyện thường.

“Thủ phủ” mắc ca trong tương lai

Ông Đinh Văn Hdăn-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho hay: Toàn xã hiện có trên 500 ha mắc ca, chủ yếu trồng xen với cà phê. Những năm gần đây, cây mắc ca cho giá trị kinh tế rất cao, giúp đời sống người dân thay đổi tích cực. Nhiều hộ dân cũng tìm cách sơ chế để nâng cao giá trị cho hạt mắc ca.

Gia đình ông Thiều Viết Đoàn-bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) không chỉ trồng mà còn đầu tư máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không để chế biến hạt mắc ca. Hiện các sản phẩm mắc ca do gia đình ông Đoàn chế biến được tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa… Ông Đoàn cho biết: Trong 2,5 ha mắc ca của gia đình thì 1,5 ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 3,5-4 tấn/ha. So với cây cà phê thì trồng mắc ca có nhiều thuận lợi hơn, chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu tiên và giảm dần theo từng năm. Giá bán ổn định 80-90 ngàn đồng/kg đối với sản phẩm tươi, còn qua chế biến thì lên đến 200 ngàn đồng/kg. “Chi phí đầu tư trồng cây mắc ca rất thấp, dễ chăm sóc, đến kỳ thu hoạch cũng không cần nhiều nhân công thu hái nhưng giá trị kinh tế mang lại rất cao”-ông Đoàn chia sẻ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đầu tư máy móc để sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Ảnh: Ngọc Sang

Gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đầu tư máy móc để sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Ảnh: Ngọc Sang

Ngày 3-7-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1671/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch, cây mắc ca được phát triển chủ yếu tại của huyện Kbang; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp của các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh; tiếp tục theo dõi, đánh giá diện tích đã trồng tại các huyện Chư Prông, Chư Sê và Ia Grai để bổ sung vào kế hoạch đến năm 2050. Tỉnh phấn đấu tổng diện tích trồng mắc ca đến năm 2030 đạt 4.045 ha. Đến năm 2050, phấn đấu duy trì diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6.660 ha.

Cũng theo ông Đoàn, ở huyện Kbang hiện có 2 loại giống mắc ca, một loại thời điểm ra hoa vào cuối năm, một loại ra hoa vào đầu năm. Thời gian này, ở huyện Kbang khí hậu tương đối lạnh nhưng không mưa nên hoa mắc ca nở đẹp, dễ đậu quả hơn các vùng khác. Còn nếu gặp phải trời mưa, hoa bị thối dẫn đến không có quả, xem như mùa vụ thất bại. Hiện tại, vườn mắc ca của gia đình trồng xen với cây cà phê. Khi bón phân cho cà phê thì cây mắc ca cũng dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cây mắc ca cũng chịu hạn rất tốt, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Cây mắc ca được trồng thí điểm ở huyện Kbang từ năm 2010, sau đó từng bước được nhân rộng. Nếu như năm 2015, toàn huyện chỉ có khoảng 100 ha mắc ca thì đến nay đã tăng lên hơn 2.000 ha. Thực tế, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Kbang, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Cũng theo ông Tình, định hướng đến năm 2030, huyện Kbang sẽ mở rộng diện tích mắc ca lên 3.000 ha. Nhằm hiện thực hóa điều này, từ năm 2018, huyện đã có những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen cây mắc ca để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Mắc ca Kbang-Gia Lai”.

“Huyện Kbang hiện có 3 sản phẩm mắc ca đạt chứng nhận OCOP và gần 20 cơ sở chế biến. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy chế biến sâu nên chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu, nâng tầm thương hiệu mắc ca của địa phương”-ông Tình thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.