Lương phải đi đôi với hiệu quả công việc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách tính lương hiện nay còn nhiều bất cập. Ai cũng thấy nhưng để thay đổi nó không hề là chuyện dễ. Lâu nay, trong đội ngũ công chức, viên chức nhà nước luôn có câu: “Không ai sống bằng lương”. Nhưng cũng phải nói ngược lại thế này: “Không phải ai cũng sống được ngoài lương”. Nghĩa là không phải ai cũng có thể tham nhũng hay được hưởng thường xuyên những bổng lộc. Có rất nhiều người chỉ biết sống bằng lương, trong đó có không ít người làm việc giỏi.

Nếu cách tính lương sắp tới phân định được ai làm việc giỏi, ai làm việc dở, ai hoàn thành xuất sắc hay “đá tròn vai”, còn những ai lây nhây làm không ra làm, chơi không ra chơi, đồng thời có mức lương khác biệt rõ ràng cho hai thành phần ấy trong lĩnh vực công, nghĩa là trả lương cho đúng người làm việc, đúng công việc họ đã làm thì tự nhiên sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách không hề nhỏ. Những năm gần đây vẫn còn tình trạng trả lương theo bằng cấp, trả lương theo những chức danh khó lường. Chẳng hạn, anh ở thành phố lớn, ở thủ đô, nhưng anh ở trong “ban, bệ” biển đảo gì đó, là lương anh cứ thế ăn theo “ngạch biển đảo”, một kiểu tính lương cười ra nước mắt cho ngân sách nhà nước.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Có nhiều người trong hệ thống, ăn lương ngân sách, đều đặn thăng bậc tăng lương, nhưng chả làm gì cụ thể cả. Công việc chính của họ nhiều khi chỉ là… “chém gió” ở các cuộc họp. Trong khi có nhiều cơ quan, đơn vị, khi vị thủ trưởng sắp nghỉ hưu bèn ra tay ký bạt mạng, tuyển thêm hàng chục, hàng trăm hợp đồng, kể cả tuyển định biên, những người mà ai cũng biết họ vào được cơ quan nhà nước bằng con đường nào. Khi thủ trưởng đã thành “nguyên” thì thủ trưởng mới phải ôm cả một dãy danh sách phải trả lương hàng tháng cho rất nhiều người mà không biết phân công họ làm việc gì cho thỏa đáng. Có những cơ quan đã trên bờ vực “phá sản” vì cách nhận người này của các thủ trưởng sắp về hưu. Giải quyết những hậu quả này thật muôn phần khó khăn và đã có không ít đơn thư kiện cáo. Như cách nhận giáo viên hợp đồng của một huyện ở tỉnh Đak Lak mà vừa rồi Công an đã phải “vào cuộc”, những giáo viên “dự bị” phải chạy hàng đống tiền để được nhận hợp đồng, rồi đột ngột bị sa thải vì… quá dư thừa. Sự thiệt hại đến từ cả hai phía: Nhà nước và công dân.

Phải nhận ra tất cả những điều bất cập này khi xây dựng hệ thống bảng lương mới, để làm sao những vụ việc như thế không thể xảy ra nữa.

Lãnh lương theo năng lực, nhưng làm sao đánh giá chính xác được năng lực khi thiếu một hệ thống đánh giá và kiểm soát công bằng, ngay thẳng và hiệu quả?

Tôi tán thành một bảng lương dành cho các vị trí chuyên môn. Nhưng đó phải là sự đánh giá đúng đắn năng lực chuyên môn, chứ không dựa vào “bằng cấp” hay “bằng lòng”, như lâu nay hiện tượng này vẫn xảy ra đây đó. Những người quá giỏi thì dễ nhận ra và họ sẵn sàng có những đòi hỏi mức lương phù hợp cho mình. Nhưng với nhiều người làm chuyên môn tốt, nhiều người thạo việc, nhiều người thích ứng được với công việc và hoàn thành phần việc của mình, những người ấy phải được đánh giá đúng và phải được hưởng mức lương công bằng cho những nỗ lực làm việc và những đóng góp của họ. Có những người thầm lặng nhưng làm việc tốt, họ phải được đánh giá đúng, dù họ không nói nhiều. Trong hệ thống công chức, viên chức nhà nước, cần thường xuyên có sự đánh giá và phân loại dựa trên hiệu quả công việc.

Với bảng lương dành cho các chức danh vị trí, cũng cần sự đánh giá thẳng thắn và công bằng về năng lực làm việc, về hiệu quả công việc, để giảm dần những quan chức chỉ giỏi nói chứ không giỏi làm, những quan chức giỏi “chạy” hơn là giỏi đi một cách thẳng lưng, bình tĩnh với danh vọng và biết đặt hiệu quả công việc lên trên hết.

Thay đổi bảng lương không đơn thuần chỉ trong chuyện lương. Nó đòi hỏi một sự thay đổi sâu rộng và quyết liệt trong cả hệ thống công quyền, hệ thống công chức và viên chức, hệ thống lãnh đạo các cấp.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.