Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật trả lời bạn đọc C.X. (thị xã An Khê)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Bạn đọc C.X. (thị xã An Khê) hỏi: Vài tháng trước, tôi có qua nhà người hàng xóm để uống trà, nói chuyện. Khi tôi ra về thì vô tình đạp vào đuôi con chó nhà hàng xóm nên con chó này cắn vào bắp chân làm tôi bị thương. Tôi phải đi tiêm ngừa, uống thuốc hết gần 1.500.000 đồng.

Sau đó, tôi có qua nhà hàng xóm để nói chuyện bồi thường nhưng người này không đồng ý. Vậy trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì tôi có được bồi thường hay không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 603 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường đã được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về nguyên tắc bồi thường như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì người hàng xóm của bạn phải có trách nhiệm bồi thường số tiền tiêm ngừa và tiền thuốc cho bạn. Tuy nhiên, để đảm bảo tình làng nghĩa xóm không bị ảnh hưởng, bạn và người hàng xóm nên nói chuyện và bạn có thể dẫn chứng các quy định này của pháp luật cho người hàng xóm hiểu và tự nguyện bồi thường. Trường hợp nếu không thể thỏa thuận thì bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân thị xã An Khê để yêu cầu người hàng xóm bồi thường theo quy định.

Có thể bạn quan tâm