Lừa đảo qua mạng tấn công, quấy rối người dân các vùng quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở một số địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều khuyến cáo, cảnh báo đề phòng đã được tuyên truyền, song vẫn còn rất nhiều người nhẹ dạ bị sập bẫy những kẻ lừa đảo...

Công an Gia Lai bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: T.T
Công an Gia Lai bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: T.T


Không vay, bỗng dưng lại thành con nợ

Nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ trong khi không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các app cho vay tiền là tình trạng thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Chị T là một giáo viên tại Thị Xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, là một trong những trường hợp bị đòi tiền dù không vay mượn ở đâu. Cuối tháng 3 vừa qua, chị T nhận được hình ảnh của mình đăng trên facebook lạ. Tên người nợ thì khác nhưng hình ảnh lại là chị và kèm theo nội dung với những lời lẽ vu khống, bôi nhọ dù chị chẳng vay, mượn tiền qua app, cũng không đứng ra bảo lãnh cho ai. Và bỗng dưng mặt chị bị đưa lên facebook gắn với những lời hăm dọa.

Tại một công ty lớn tại TP.Tuy Hòa, có một nhân viên vay tiền online qua App nhưng không có khả năng chi trả và người này đã nghỉ việc. Các tượng liền nhắm vào những cá nhân có chức vụ lớn của công ty như: Giám đốc, các Ban quản lý của công ty để làm phiền và quấy rối.

Anh D có chức vụ quản lý nhân sự tại công ty này kể lại: các đối tượng liên tục tấn công gia đình anh bằng điện thoại, quấy nhiễu quá trình làm việc của anh. Anh có tắt điện thoại để tránh bị làm phiền thì các đối tượng này tạo tin giả, tung tin thất thiệt rằng anh bị tai nạn, cặp bồ làm ảnh hưởng đến danh dự, chia rẽ cuộc sống gia đình anh. Anh D cảm thấy rất bức xúc với tình trạng trên, anh mong những đối tượng này sớm bị pháp luật trừng trị để có tính răn đe với những người khác đang có ý định tiếp tay cho công việc này.

Trao đổi với Thiếu Tá Huỳnh Tiến Thành - Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm theo tuyến địa bàn, Công an Phú Yên - về vụ việc trên. Thiếu tá Huỳnh Tiến Thành cho biết: Các đối tượng tìm hiểu các mối quan hệ của người vay tiền. Trong đó, gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp là những người mà các đối tượng nhắm đến để khủng bố, đe dọa đòi tiền khi người vay trả trễ hẹn hay không liên lạc được. Cơ quan Công an sẽ áp dụng các biện pháp theo quy định xác định đối tượng đường dây, tính chất mức độ để xử lý theo luật. Mặt khác tham mưu chỉ đạo Công an địa phương, lực lượng công nghệ cao tăng cường các biện pháp phòng ngừa, truy vết các đối tượng để xử lý nghiêm các hành vi này.

Gửi quyết định khởi tố giả qua mạng, dân vẫn "sập bẫy"

Tại Gia Lai, từ tháng 2 năm 2022 cho đến nay đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Zalo với trên 30 nạn nhân và số tiền bị thiệt hại hơn 20 tỉ đồng. Nhóm tội phạm lừa đảo giả danh cán bộ điều tra, Viện kiểm sát gửi quyết định khởi tố, bắt giam qua mạng xã hội nhằm đe dọa nạn nhân.

Đã nhiều ngày trôi qua, bà N.T.D.H. (SN 1961, trú tại phường Phù Đổng, TP.Pleiku) vẫn chưa hết nỗi hoảng sợ khi bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 10,4 tỉ đồng. Bà H làm nghề buôn bán, kinh doanh, cuối tháng 2.2022, bà nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ, xưng danh là cán bộ Công an điều tra. Đối tượng yêu cầu bà H vào phòng kín nói chuyện riêng qua điện thoại với lời lẽ đầy dọa dẫm, nghi vấn bà liên quan đến đường dây tội phạm.

Đối tượng này yêu cầu bà H tự nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để… được bảo lãnh và phục vụ công tác điều tra, sau đó cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng cho chúng. Khi kiểm tra, xác minh xong sẽ hoàn trả lại tiền. Lo sợ, bà H đi vay mượn tiền bạc của bạn bè, người quen, vay nóng lãi suất cao để nộp vào tài khoản, cung cấp mật khẩu, mã giao dịch OTP cho kẻ giả danh.

Hơn 1 tháng, bà H nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng với số tiền 10,4 tỉ đồng và đều bị nhóm lừa đảo rút sạch tiền hoặc chuyển khoản lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển vào tiền ảo. Biết mình bị lừa sạch tiền, bà H rơi vào tình trạng trầm cảm.  

Trung tá Đinh Văn Sơn - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai - cho biết, nhóm đối tượng lừa đảo nhắm đến “con mồi” chủ yếu là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Công an truy vết, kiểm tra hàng trăm tài khoản nhưng vẫn không thấy nhóm đối tượng chịu rút tiền.

Theo trung tá Sơn, qua nghe lại các cuộc ghi âm điện thoại của nạn nhân, đối tượng giả danh đã tìm hiểu khá kỹ thông tin về nạn nhân, tên tuổi, năm sinh, tâm lý sinh hoạt, công việc. Để từ đó chúng dễ dàng thao túng, đe dọa, thậm chí nhiều nạn nhân bị chúng gửi quyết định bắt tạm giam, quyết định khởi tố… qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Nạn nhân vì sợ hãi nên đã làm theo các yêu cầu của nhóm đối tượng.

Các bị hại cũng ít hiểu biết về pháp luật, bởi khi có quyết định khởi tố, bắt giam, triệu tập của cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) thì đều gửi trực tiếp và có công dân xác nhận, có cán bộ, chính quyền xã, phường xuống tận nơi cư trú. Nên sẽ không bao giờ có việc gửi quyết định khởi tố, bắt giam… qua nền tảng mạng xã hội.

Cơ quan Công an cảnh báo người dân không tải các ứng dụng lạ trên điện thoại, không nhận lời mời nhận quà, nhận tiền, giữ tiền từ các đối tượng không quen biết qua mạng và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, tài khoản, mã OTP của ngân hàng.

 

https://laodong.vn/phap-luat/lua-dao-qua-mang-tan-cong-quay-roi-nguoi-dan-cac-vung-que-1043500.ldo

Theo THANH TUẤN-HOÀI LUÂN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm