Lữ đoàn Công binh 7: Chú trọng huấn luyện vượt sông tham gia cứu hộ, cứu nạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) là tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng-chống thiên tai, giúp đỡ chính quyền địa phương và người dân khi có yêu cầu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đơn vị đặc biệt chú trọng nội dung huấn luyện vượt sông với các tình huống giả định sát thực tế.

Đưa chúng tôi tham quan thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn vượt sông 3, Thượng tá Lê Hồng Thạch-Phó Chính ủy Lữ đoàn-cho biết: “Bên cạnh nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn huấn luyện vượt sông đưa các trang-thiết bị, phương tiện của các đơn vị trong Quân đoàn vào vị trí chiếm lĩnh mục tiêu sẵn sàng chiến đấu. Cùng với đó, đơn vị cũng tiến hành huấn luyện vượt sông tham gia cứu hộ, cứu nạn khi địa bàn bị chia cách do thiên tai, bão lũ”.

Tình huống giả định trong buổi huấn luyện của Tiểu đoàn vượt sông 3 là 1 cây cầu bắc qua sông bị sập, nước dâng cao, 1 địa phương bị cô lập, các loại thuyền nhỏ, ca nô không thể vượt sông. Nhận mệnh lệnh từ cấp trên, Tiểu đoàn nhanh chóng triển khai phương tiện, trang-thiết bị để ghép cầu phao PMP, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sau khi nhận mệnh lệnh, đội hình trang-thiết bị của đơn vị đã có mặt tại vị trí tập kết. Dẫu thời tiết phức tạp nhưng các chiến sĩ lái xe chở phà PMP vẫn tự tin lùi xe xuống nước thẳng hướng bến đã được xác định để thả phà. Dưới tín hiệu của người chỉ huy, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhanh chóng lắp ghép phà để hình thành cầu phao.

Một buổi huấn luyện vượt sông của Lữ đoàn Công binh 7. Ảnh: V.H

Một buổi huấn luyện vượt sông của Lữ đoàn Công binh 7. Ảnh: V.H

Gạt những giọt mồ hôi lăn trên má, chiến sĩ Lê Văn Sơn (Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn vượt sông 3) chia sẻ: “Việc lắp ghép phà làm cầu vượt sông là một trong những nội dung khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận. Tuy nhiên, nhờ huấn luyện tốt phần lý thuyết, nắm chắc tính năng, tác dụng của mỗi bộ phận nên việc thực hành được triển khai nhanh chóng và chúng tôi đã hoàn thành nội dung huấn luyện đảm bảo về thời gian và chất lượng”.

Để xử lý tốt trong mọi tình huống thiên tai xảy ra, Lữ đoàn được biên chế nhiều phương tiện, trang-thiết bị hiện đại như: phà vượt sông, ca nô, máy ủi, xe truyền tín hiệu, xuồng cao tốc, hệ thống máy cắt, phá bê tông, hệ thống rà phá bom mìn…

Trung tá Lê Tấn Cảnh-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vượt sông 3-cho hay: Mặc dù được trang bị những phương tiện hiện đại nhưng khi vượt sông tham gia cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao. Vì trên địa hình sông nước lúc thiên tai xảy ra luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, nguy hiểm. Chính vì thế, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện, tăng cường huấn luyện sát với thực tế, địa bàn, chúng tôi còn tích cực rèn luyện ý chí quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mục tiêu đề ra là khi có tình huống xảy ra phải cơ động nhanh, ứng phó kịp thời, tập trung cứu người, tài sản của người dân và cơ quan, đơn vị.

Thực hành bắc phà vượt sông. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thực hành bắc phà vượt sông. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhờ tăng cường công tác huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện phù hợp với địa bàn, điều kiện tác chiến nên Lữ đoàn Công binh 7 đã tham gia nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ người dân. Đến bây giờ nhiều người dân Gia Lai vẫn chưa thể quên cơn bão số 8 năm 2008 làm sập cầu Bung bắc qua sông Ba ở huyện Krông Pa làm cô lập 5 xã phía Nam.

Tiếp nhận đề nghị của tỉnh, Quân đoàn 3 đã chỉ đạo Lữ đoàn Công binh 7 cử 20 cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện, máy móc tổ chức bắc cầu phao và điều hành giao thông để người dân qua sông. Nhờ có chiếc cầu phao này mà các xã phía Nam của huyện không còn bị cô lập. Đội công tác của Lữ đoàn đã chở hàng ngàn lượt người, gần 500 lượt xe và hàng ngàn tấn hàng hóa các loại qua sông an toàn. Sau đó, Lữ đoàn tiếp tục bắc một cầu gỗ dài 25 m, rộng 1,6 m giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Hay như năm 2021, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 cùng với các lực lượng cứu hộ tỉnh Gia Lai đã tiếp cận và cứu được 3 người dân trú tại thị trấn Kông Chro bị mắc kẹt giữa chân đập tràn thủy điện.

Thượng tá Lê Hồng Thạch cho biết thêm: “Chúng tôi luôn xác định huấn luyện phải sát thực tế, sát địa bàn. Đặc biệt là trong huấn luyện vượt sông, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc điều kiện dòng chảy, địa hình, đặc điểm dân cư. Từ đó, khi có tình huống xảy ra, phương tiện, trang-thiết bị được triển khai nhanh với mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, phải tập trung thực hiện phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, phòng-chống để giảm nhẹ thiên tai”.

Có thể bạn quan tâm

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.