Lữ đoàn 273: 50 năm vang mãi bản hùng ca

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Cách đây 50 năm, ngày 3-2-1973, trên chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn Xe tăng 273 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273, Quân đoàn 3) được thành lập. Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã lập nên nhiều chiến công vang dội.

Những chiến công vang dội

Ngày 3-2-1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Quyết định số 442 thành lập Trung đoàn Xe tăng 273 (Đoàn Sơn Lâm). Lễ công bố thành lập Trung đoàn được tổ chức tại cánh rừng săng lẻ thuộc huyện 67 (nay là xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Cùng với quyết định này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cũng quyết định điều động và chỉ định đồng chí Lê Ngọ giữ chức Trung đoàn trưởng, đồng chí Mai Sinh Giá giữ chức Chính ủy Trung đoàn.

Ngày 11-3-1973, đoàn xe tăng M48 của địch theo trục đường 19 từ Pleiku yểm trợ cho bộ binh tiến ra vùng giải phóng huyện Đức Cơ. Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn vừa hành quân từ miền Bắc vào, được lệnh dùng 4 xe tăng bí mật bố trí trên điểm cao 463 sát Đức Cơ, nằm trong cụm chốt của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. 4 chiếc xe tăng dưới sự chỉ huy của đồng chí Ngô Nguyên Tiện-Chính trị viên Tiểu đoàn-được lệnh nổ súng tiêu diệt 3 xe tăng M48 và bắn bị hỏng 1 chiếc khác của địch. Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng rút chạy, ta phá được cuộc hành quân lấn chiếm của địch.

Cuối năm 1973 đầu 1974, địch mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, nhằm phá hoại Hiệp định Paris, gây nhiều tội ác cho đồng bào ta ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Xe tăng 273 đã phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Sư đoàn 10, Trung đoàn Phòng không 234, Trung đoàn Pháo binh 40, Trung đoàn Công binh 7… tiến công tiêu diệt toàn bộ căn cứ Chư Nghé, căn cứ Đak Pét lập những chiến công xuất sắc, cùng các đơn vị bạn liên tục chiến đấu bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Lữ đoàn 273: 50 năm vang mãi bản hùng ca  ảnh 1

Đội hình xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 tham gia huấn luyện và diễn tập. Ảnh: Nguyễn Đức Chung

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn Xe tăng 273 cùng với các lực lượng trong Quân đoàn 3 và lực lượng vũ trang Tây Nguyên tham gia đánh đòn điểm huyệt quyết định vào thị xã Buôn Ma Thuột mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn và quân dân Tây Nguyên, tham gia trên cả 3 hướng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nam của chiến dịch. Đơn vị đã mở những đợt tiến công dũng mãnh, thọc sâu táo bạo, cùng với các đơn vị giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Trong trận Buôn Ma Thuột, Trung đoàn Xe tăng 273 là đơn vị đầu tiên của bộ đội tăng thiết giáp sử dụng 47 xe tăng, 16 xe thiết giáp các loại vào trận quyết chiến chiến lược. Xe tăng, xe thiết giáp của đơn vị đã phát huy sức mạnh đột phá, thọc sâu, cơ động phát triển với tốc độ cao, áp đảo địch ngay từ đầu, tạo điều kiện cho bộ đội binh chủng hợp thành đánh chiếm và giữ vững mục tiêu.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn vinh dự được nằm trong đội hình Quân đoàn 3, đảm nhận hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng Tây Bắc Sài Gòn. Với phương châm tác chiến mạnh, chắc thắng, đánh mạnh, đánh liên tục, nắm chắc thời cơ, đánh thọc sâu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã dũng cảm, ngoan cường, tiến công liên tục, thọc sâu táo bạo, cơ động nhanh, hiệp đồng tốt với các đơn vị bạn tiêu diệt hàng chục xe tăng, xe bọc thép, hàng trăm hỏa điểm, hàng ngàn tên địch, đột phá tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy tại căn cứ Đồng Dù; chốt giữ cầu Bông, mở cửa chiến dịch đưa lực lượng của Quân đoàn thọc sâu phá vỡ tuyến phòng thủ dày đặc, đánh chiếm 2 trong 5 mục tiêu trọng yếu là Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Đi dân nhớ, ở dân thương

50 năm qua, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 5 đại đội, 2 kíp xe và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý này. Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công hạng nhất, 4 Huân chương Quân công hạng nhì, 9 Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng Co; Bộ Quốc phòng và các cấp tặng thưởng 58 cờ thi đua các loại. Cùng với đó, hàng trăm lượt tập thể được tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, đơn vị tiên tiến; hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Ra đời từ chiến trường Tây Nguyên, tiến về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, cơ động lực lượng bảo vệ biên giới phía Bắc rồi trở lại Tây Nguyên, dù ở đâu, thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ khi trở lại Tây Nguyên, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã kết nghĩa với 18 đầu mối là cấp ủy, chính quyền các địa phương để giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã huy động hơn 30 ngàn ngày công giúp các xã Kdang, Kon Gang, Tân Bình (huyện Đak Đoa), Đak Djrăng (huyện Mang Yang) xây dựng và sửa chữa 10 trường học, sửa chữa, làm mới hơn 10 km đường giao thông, dọn dẹp vệ sinh hàng chục ki lô mét đường giao thông nông thôn, khai hoang, phục hóa 5 ha đất để người dân sản xuất… Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 lượt người dân.

Một trong những công trình thể hiện tinh thần, trách nhiệm của những người lính xe tăng với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân là thi công đường nối từ tỉnh lộ 666 lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Con đường dài 7 km, Lữ đoàn 273 đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các đơn vị khác thi công. Đây được coi là con đường của ý Đảng, lòng dân và tình quân-dân, bởi nó chấm dứt cảnh người dân của ngôi làng nghèo nhất tỉnh khó khăn về giao thông. Không chỉ giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, Lữ đoàn còn có nhiều việc làm ý nghĩa giúp đỡ người dân thoát nghèo. Những năm qua, đơn vị đã xây dựng hơn 10 ngôi nhà chính sách, nhà “Đại đoàn kết”, nhà tình nghĩa để tặng các hộ dân khó khăn về nhà ở. Cùng với đó, huy động hàng trăm ngày công tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Thượng tá NGUYỄN ĐỨC CHUNG

Chính ủy Lữ đoàn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ

Gia Lai nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ

(GLO)- Công tác giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) luôn giữ vị trí chủ đạo, trực tiếp xây dựng phẩm chất chính trị, tinh thần, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ; là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, một mặt hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị.
Công ty 715 huấn luyện, giáo dục chính trị cho chiến sĩ, lực lượng tự vệ, người lao động

Công ty 715 huấn luyện, giáo dục chính trị cho chiến sĩ, lực lượng tự vệ, người lao động

(GLO)- Ngày 7-3, tại xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Công ty 715 đã khai mạc huấn luyện, giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật cho lực lượng tự vệ và các đối tượng năm 2023. Dự khai mạc có Đại tá Lê Xuân Phương- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 cùng lực lượng tự vệ và đại diện công nhân của công ty.
Ngày hội Biên phòng toàn dân tại xã Ia O

Ngày hội Biên phòng toàn dân tại xã Ia O

(GLO)- Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023) và 34 năm Ngày hội Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2023), sáng 3-3, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) phối hợp cùng Đồn Biên phòng Ia O tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023.
Ngày hội của người dân biên giới Ia Chía

Ngày hội của người dân biên giới Ia Chía

(GLO)- Từ ngày 17 đến 19-2, Đồn Biên phòng Ia Chía phối hợp với hệ thống chính trị xã Ia Chía (huyện Ia Grai) tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân. Đây là dịp để cán bộ, người dân trên địa bàn biên giới thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, nhân lên tình yêu và tinh thần bảo vệ biên cương với quan điểm “Chủ quyền biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Trung đoàn 710 xây dựng “thế trận lòng dân”

Trung đoàn 710 xây dựng “thế trận lòng dân”

(GLO)- Đóng quân trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông (tỉnh Gia Lai), thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) đã có nhiều việc làm ý nghĩa để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.