Cấp dưới của ông Đinh La Thăng khai: Bị cáo dùng từ “mệnh lệnh” vì chỉ đạo của ông Đinh La Thăng rất mạnh mẽ.
Chiều nay, phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản” tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. |
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho hay: Việc chỉ đạo tạm ứng cho dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 và PVC do ông Đinh La Thăng chỉ đạo.
Hợp đồng 33 bị cáo không được tham dự, theo dõi. Khi hợp đồng đã được chuyển đổi về Tập đoàn, quá trình thực hiện, Phó chủ tịch PVN yêu cầu Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thực hiện tạm ứng cho nhà thầu để triển khai dự án.
Việc chỉ đạo chuyển tiền cho PVN đã được phân công theo quy chế của Tập đoàn. Ban quản lý có đề xuất về việc tạm ứng cho nhà thầu. Tập đoàn có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hợp đồng đã ký.
Bị cáo không nhận thức được hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Bị cáo chỉ biết NMNĐ Thái Bình 2 là công trình lớn, đã xin ý kiến Thủ tướng về việc thực hiện chỉ định thầu, sau đó lại có nghị quyết của HĐQT về việc chuyển đổi chủ đầu tư. Sau khi các kiểm sát viên cao cấp nói nhiều tài liệu còn thiếu, bị cáo mới ý thức được việc thực hiện hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Sơn khai, ông ta ký 2 quyết định nhưng có 4 lần chuyển tiền. Việc chuyển tiền diễn ra trong Tập đoàn (từ đơn vị này sang đơn vị khác của Tập đoàn) chứ không phải chuyển tiền ra ngoài.
Lúc chuyển tiền thì không nhận thức thấy có vấn đề gì. Sau này khi làm việc với kiểm sát viên, bị cáo mới biết hợp đồng không có đủ căn cứ.
Theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, ông ta thực hiện mệnh lệnh của bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo dùng từ “mệnh lệnh” vì chỉ đạo của ông Đinh La Thăng rất mạnh mẽ. "Đó là tính cách của anh Thăng trong quá trình triển khai công việc thôi, chứ lúc đó bị cáo không cho rằng có gì sai. Hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, bị cáo không biết nên mới vô tình thực hiện", lời khai của bị cáo Sơn.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) khai: Hội đồng thành viên của PVN có nghị quyết phê duyệt đấu thầu dự án Thái Bình 2 cho Hội đồng thành viên PVPower. Nghị quyết do ông Đinh La Thăng ký lựa chọn nhà thầu.
Bị cáo Khánh nói, hợp đồng 33 chưa được Hội đồng thành viên PVPower phê duyệt, không có các điều khoản chi tiết thực hiện hợp đồng, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng hợp đồng. Hợp đồng này không có cơ sở để thực hiện cũng như không có cơ sở tạm ứng được.
Dù vậy, ông Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát, ký hợp đồng này.
Bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) khai: Bị cáo có nghe về việc hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện thực hiện.
Sau đó, ở thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, bị cáo biết hợp đồng có vấn đề lớn. Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, bị cáo đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến nhưng không ai trả lời.
Sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên cho Ban quản lý dự án, Tập đoàn PVN có 1 công văn hỏa tốc đề nghị ban quản lý dự án đề nghị chuyển tiền cho PVC ngay trong ngày (do ông Nguyễn Xuân Sơn ký, đóng dấu hỏa tốc).
Đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai, việc ký công văn hỏa tốc này được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn là phải thực hiện tạm ứng ngay. Vì vậy bị cáo mới cấp tiền cho Ban quản lý và yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày để khỏi lệch nhau về tỉ giá.
T.Nhung/tinmoi