Liên kết phát triển nghề nuôi chim yến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ (xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm yến sào. Đây là bước đi mới mở ra cơ hội phát triển cho ngành yến sào trên vùng đất khó.

Người tiên phong nuôi chim yến ở Chư Răng

Ông Nguyễn Văn Soát (thôn Bình Hòa, xã Chư Răng) vốn là nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Năm 2013, sau khi đọc một bài báo viết về nghề nuôi chim yến, ông đã mày mò tìm hiểu rồi đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ yến về ở. Quyết định của ông vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi ai cũng cho rằng vùng đất nhiều đồi núi như Chư Răng làm gì có chim yến.

Quả thật, mặc dù ông Soát đã đi khảo sát và áp dụng công nghệ của các công ty chuyên xây lắp nhà nuôi chim yến tại tỉnh Khánh Hòa song trong năm đầu tiên, chim yến có về nhưng không ở lại. Ông phải nhờ nhân viên kỹ thuật của công ty mang chim yến về... dụ chim yến. Trời không phụ lòng người, 1 năm sau đó, ông đã được thu hoạch những tổ yến đầu tiên.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn (đứng giữa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ) nhận chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện cho sản phẩm Yến sào An Tuệ. Ảnh: Vũ Chi

Ông Nguyễn Quốc Tuấn (đứng giữa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ) nhận chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện cho sản phẩm Yến sào An Tuệ. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Soát, nuôi chim yến tuy không tốn công chăm sóc và thức ăn nhưng có rất nhiều khó khăn, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Để chim làm tổ và gắn bó lâu dài đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt là việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà nuôi. Mỗi lần vào thu hoạch hay thăm nom đều phải xử lý bởi phát hiện có mùi lạ, chim yến sẽ bỏ đi. Bên cạnh đó, người nuôi phải có kiến thức, kiên nhẫn theo dõi để hiểu tập tính của chim yến cũng như cách phòng thiên địch, tạo điều kiện thích hợp nhất để yến ở lại làm tổ.

Sau 10 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, ông Soát nhận định: “Vùng đất Ia Pa rất thích hợp để phát triển nghề nuôi chim yến bởi có nguồn thức ăn dồi dào. Khí hậu nơi đây nắng nóng quanh năm, thuận lợi cho chim yến sinh sản và phát triển. Từ thành công ban đầu, hiện tôi sở hữu 4 nhà nuôi chim yến với sản lượng thu hoạch khoảng 6 kg tổ yến/tháng. Với giá bán 2,7 triệu đồng/lạng yến thô, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng”.

Liên kết để phát triển bền vững

Từ thành công của những người tiên phong như ông Soát, hiện xã Chư Răng có 39 nhà nuôi chim yến. Nhiều nông dân vốn chỉ quanh năm gắn bó với cây mía, mì đã có nguồn thu nhập tiền tỷ từ nghề mới này. Năm 2021, xã Chư Răng có sản phẩm đầu tiên đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là yến sào Sơn Đông. Với tư tưởng người nông dân thời đại 4.0, ông Soát cho rằng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, người nông dân phải liên kết xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Nghĩ rồi làm, tháng 9-2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ được thành lập, ngành nghề chính là kinh doanh các sản phẩm từ yến. Hợp tác xã có 7 thành viên với 7 nhà yến đã đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Tuấn (em trai ông Soát, ở cùng thôn) được bầu làm Giám đốc HTX, chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Còn ông Soát làm Phó Giám đốc phụ trách khâu thu mua, sơ chế thành phẩm.

Hợp tác xã thành lập tạo cơ hội cho các thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện mỗi tháng, các thành viên HTX thu hoạch được khoảng 12 kg tổ yến, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2023, sản phẩm yến tinh chế An Tuệ của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 cấp huyện. Đây là bước khởi đầu thuận lợi cho việc liên kết, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững sản phẩm yến sào An Tuệ.

Ông Nguyễn Văn Soát (thôn Bình Hòa, xã Chư Răng) dành nhiều tâm huyết xây dựng thương hiệu sản phẩm yến sào An Tuệ. Ảnh: V.C

Ông Nguyễn Văn Soát (thôn Bình Hòa, xã Chư Răng) dành nhiều tâm huyết xây dựng thương hiệu sản phẩm yến sào An Tuệ. Ảnh: V.C

Ông Tuấn cho biết: Mặc dù chim yến được dẫn dụ và nuôi trong môi trường nhân tạo nhưng các thành viên HTX vẫn cố gắng đảm bảo tối đa quá trình phát triển, sinh trưởng tự nhiên của chúng. Công đoạn thu hoạch, sơ chế sản phẩm cũng đảm bảo giữ nguyên chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, hương vị và hàm lượng dinh dưỡng của yến sào An Tuệ rất tốt. Thị trường tiêu thụ yến sào An Tuệ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc.

“Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là kết nạp thêm thành viên cũng như mở rộng kênh bán hàng, tham gia các hội chợ, phiên chợ nông sản hay các chương trình xúc tiến thương mại do các cấp tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sang Trung Quốc, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Hợp tác xã cũng hy vọng tỉnh và huyện sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển nghề nuôi chim yến. Việc quy hoạch vùng nuôi chim yến ở xa khu dân cư phải song hành với quy hoạch điện, đường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có như vậy, người nuôi chim yến mới thực sự yên tâm với nghề”-ông Tuấn kỳ vọng.

Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-đánh giá: Việc liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng quyết định giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Những năm qua, huyện quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Sau sản phẩm yến sào Sơn Đông đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021, đến năm 2023, huyện có thêm sản phẩm yến sào An Tuệ của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Đây được coi là bước đi mới, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành yến sào trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.