Lão nông sáng chế máy vận chuyển trên đất dốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đơn giản mà hiệu quả, áp dụng trên những triền đồi có độ dốc lớn, sức người hầu như không thể mang vác. Đó chính là sản phẩm máy vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa hình dốc của lão nông Trần Văn Túy (Thôn 1, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng).
Hệ thống máy vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa hình dốc của lão nông Trần Văn Túy (bìa phải)

Hệ thống máy vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa hình dốc của lão nông Trần Văn Túy (bìa phải)

450 triệu đồng, một số tiền đầu tư tương đối lớn nhưng đổi lại người sử dụng chỉ việc bấm công tắc, vô tư vận chuyển 700 kg nông sản, vật tư nông nghiệp trong 1 chuyến. Sáng kiến kỹ thuật phục vụ chính gia đình của lão nông Trần Văn Túy, áp dụng thực tế ngay tại triền đồi nhà mình.

Ông Túy vào mảnh đất Mađaguôi lập nghiệp ngót nghét vài chục năm, hiện ông đã 60 tuổi, con cháu đề huề. Thời trai trẻ, khi sức khỏe dẻo dai, ông đã dồn hết tâm sức vào 4 ha điều, mít, cây ăn quả của triền đồi dốc dựng đứng phía sau nhà. Nay, ông chuyển đổi 2 ha trồng sầu riêng, sắp cho quả ngọt.

Những năm trước, với 50 kg phân bón, ông Túy phải mất nguyên cả ngày để vận chuyển lên các điểm tập kết trên đỉnh đồi, sau đó phân bổ ra các hướng để bón cho cây trồng. Nếu bỏ 5 tạ phân bón, ông phải mất 10 ngày chỉ để vận chuyển, lao lực vô cùng. Nhiều lúc bón phân không kịp thời vụ, dẫn đến không phát huy hết hiệu quả của phân bón.

Tuổi đã lục tuần, không thể dùng sức như thời trai trẻ, ông Túy đã trăn trở bao tháng trời, tự chế ra máy vận chuyển trên địa hình dốc để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp của mình.

Máy vận chuyển bao gồm động cơ điện, cáp, thanh trượt, thùng tải, con lăn (bánh xe). Hệ thống được thiết kế như một tàu lượn, khác nhau chỉ là tốc độ và mục đích sử dụng. Hệ thống tải dài 400 m, được gia cố bằng các trụ bê tông cách nhau khoảng 3 m; đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến hàng và người vận hành.

Địa hình dốc đứng nên ông Túy phải mày mò để thiết kế hệ thống ba con lăn; gồm 1 con lăn kẹp thùng tải và 2 con lăn kẹp thanh trượt. Tác dụng của 3 con lăn này chính là làm cho thùng tải di chuyển ổn định, không bị lật khi tải hàng tại các vị trí dốc dựng đứng.

Ông Túy tâm sự: “450 triệu đồng là một số tiền lớn nhưng đổi lại từ nay tôi không phải mất sức lao động, hiệu quả vô cùng. Vả lại, tôi cũng đam mê thiết kế, cơ khí; dám làm, dám thử nghiệm mới có được thành công. Khi bắt tay chế tạo hệ thống, tôi đã nói với gia đình, con cháu mình rằng mỗi mùa điều, mít được 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng; xem như mình bỏ đi hai năm không thu để đầu tư máy móc, nông cụ nhằm giải phóng sức lao động”.

Với sáng kiến này, ông Trần Văn Túy đã được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng kiến nhà nông cấp tỉnh. Giải thưởng là nguồn động viên lớn lao cho lão nông để tiếp tục cải thiện, hoàn chỉnh, nâng cao hiệu quả máy vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa hình có độ dốc lớn.

Không chỉ là một lão nông đam mê sáng tạo, ông Trần Văn Túy còn là một Chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn. Việc chăm sóc, cải tạo vườn điều mang lại thu nhập cao của ông luôn được người dân địa phương đến học hỏi.

Để có được thành công của máy vận chuyển trên địa hình dốc, ông Trần Văn Túy trông cậy nhiều vào cậu con trai làm nghề cơ khí, anh là Trần Văn Tuyển. Cả hai cha con ông đã cùng bắt tay thiết kế, khảo sát địa hình, hàn gò từng mối nối, đổ từng trụ cột, lắp từng con lăn để có được hệ thống hoàn chỉnh như hôm nay.

Ông Túy cho biết thêm rằng, thùng tải và động cơ điện rất rẻ nhưng chi phí cao là ở 400 m thanh trước hình chữ V, 400 m nhân đôi thành 800 m sắt. Tiện lợi của hệ thống này chính là việc sử dụng nguồn điện lưới 220V nên ở đâu có điện sinh hoạt là ở đó áp dụng được.

Vừa rồi, ông Túy cùng con trai đã lắp đặt thành công hệ thống máy vận chuyển trên địa hình dốc cho một nhà vườn ở TP Đà Lạt. Nhiều người của địa phương cũng đang đến để tìm hiểu, lắp đặt. Theo ông Túy, ông tiếp tục nghiên cứu để làm sao hạ giá thành của sản phẩm, giúp nông dân giảm sức lao động, tăng hiệu quả công việc.

Ông Đinh Văn Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mađaguôi cho biết: Sự mạnh dạn sáng chế và đầu tư của lão nông Trần Văn Túy bước đầu đã mang lại sự thành công trong việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp trên các địa hình mà hầu như sức người khó có thể đảm nhiệm được. Những triền đất mà xưa nay vẫn gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, xem như bỏ hoang lại phát huy được hiệu quả, cây cối xanh tươi, mang đến thu nhập cho nông hộ.

Theo Hội Nông dân huyện Đạ Huoai thì đây là máy vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện do nông dân tự sáng chế và áp dụng. Địa hình Đạ Huoai cơ bản là đồi núi, có độ dốc lớn nên sáng chế của lão nông Trần Văn Túy phù hợp, thiết thực, mang lại hiệu quả cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm