Lão nông ở Ia Hrú làm giàu từ cây cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vườn cây cảnh (bonsai) của lão nông Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã “vang danh” khắp chốn gần xa. Từ niềm đam mê, ông Phúc đã đưa bonsai thành nghề làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, vườn bonsai của gia đình ông Phúc tấp nập khách vào ra. Ai nấy đều trầm trồ ngợi khen khi tham quan khu vườn rộng hơn 2 sào với đủ các loại cây cảnh, từ sanh, si đến linh sam, mai chiếu thủy... Ông Phúc chia sẻ: “Tôi đã có 20 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh. Ngày trước, sau mỗi giờ làm việc, tôi thường tranh thủ ra vườn chăm một vài gốc bonsai để thỏa mãn đam mê. Cuối năm 2010, khi hồ tiêu chết hàng loạt, cuộc sống của gia đình bỗng chốc gặp vô vàn khó khăn. Khi nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng cây ăn quả, tôi quyết định tập trung phát triển vườn bonsai trở thành loại cây trồng chính, mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình”.

 Ông Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình. Ảnh: Mai Ka
Ông Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình. Ảnh: Mai Ka


Thời gian đầu, ông Phúc chủ yếu trồng một số loại cây như sanh, si và nhập một ít gốc linh sam, hải châu… với phương châm lấy công làm lãi. Quyết tâm gắn bó với nghề, ông thường xuyên tìm đến các nhà vườn bonsai trong tỉnh để học hỏi nghệ thuật bonsai, đồng thời tham gia Câu lạc bộ “Cây cảnh Cheo Reo” của huyện Chư Sê. Được giao lưu, tiếp cận với các nhà vườn nổi tiếng, ông có thêm kinh nghiệm trong tạo bonsai với những dáng thế, hình thù khác nhau, từ long, trực, phượng, vũ, song thu, tam đa… đến những thế phóng khoáng, hiện đại. Có thể nói, động lực mạnh mẽ nhất để ông Phúc bền bỉ theo nghề chính là tác phẩm “Sơn liễu” đạt giải nhì tại cuộc thi “Bonsai Việt qua ảnh” do Hội Cây cảnh Việt Nam tổ chức vào năm 2014.

Khi tay nghề tạo dáng bonsai đạt độ “chín”, mỗi năm, ông Phúc nhập hàng trăm gốc cây mi ni về chăm sóc và tạo dáng. Theo ông Phúc, khi tạo dáng cho cây cần nhất là sự kiên trì, tuân thủ những quy định chung; đồng thời phải có sự sáng tạo, biết thổi “hồn”, mang lại sự tươi mới, khác biệt cho từng loại cây. “Nghề này nhìn qua tưởng thong dong nhưng thực chất chẳng hề nhàn, thậm chí là ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc từng chút như chăm con mọn”-ông Phúc chia sẻ.

Hàng năm, hơn 300 gốc bonsai lớn nhỏ đủ loại như: mai chiếu thủy, nguyệt quế, linh sam, hải châu… phần lớn được ông Phúc tìm mua ở dạng cây phôi, có nguồn gốc tự nhiên, chưa qua chỉnh sửa nhưng phải thỏa mãn điều kiện về gốc và dáng. Trong thời gian 1-2 năm, ông xuất bán ở dạng cây kiểng bonsai nhỏ; còn loại được chăm sóc 3-5 năm, ông xuất bán ở dạng kiểng bonsai lớn. Để nâng cao giá trị, tùy từng loại cây, ông uốn tỉa theo nhiều kiểu hiện đại, trong đó phần lớn là dáng trực, nghiêng, xiên, thác đổ. Qua bàn tay khéo léo của ông, những cây cảnh bình thường đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần. Trong đó, cây thấp nhất 15 triệu đồng; cây có dáng độc, lạ có thể lên tới 100 triệu đồng. Mỗi năm, bonsai đem lại cho gia đình ông thu nhập 400-500 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Định, An Giang, Hà Nội… đến tham quan và đặt hàng ngày một đông. Đây là kết quả của quá trình lao động cần cù, sáng tạo và quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính niềm đam mê của lão nông Nguyễn Tấn Phúc. “Chúng tôi biết đến vườn bonsai của ông Phúc thông qua các hội cây cảnh. Cách tạo dáng cũng như các dòng cây do ông Phúc lựa chọn đều có chất riêng và phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Chúng tôi là khách hàng thường xuyên của ông Phúc”-anh Nguyễn Văn Ánh (tỉnh Bình Định) cho biết.

Ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú-nhận xét: “Ông Nguyễn Tấn Phúc là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương. Các loại bonsai của ông rất đẹp, là những tác phẩm nghệ thuật sống động, phù hợp với nhu cầu của thị trường, được đông đảo khách hàng từ Nam chí Bắc ưa chuộng. Ngày nay, thú chơi bonsai càng trở nên phổ biến. Chính vì thế, bonsai không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu”.

 

 MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.